Câu chuyện bó đũa và giấc mơ của một startup Việt muốn liên kết các hãng taxi đối đầu với Uber, Grab

Loạn app gọi xe taxi

Bên cốc trà nóng, ông Thanh Nam bắt đầu câu chuyện về những chiếc app gọi xe. Với vài thao tác trên smartphone, một loạt app của các hãng gọi xe lớn nhỏ xuất hiện. Cá biệt, như với hãng xe Mai Linh, trên Google App store trả về 4 kết quả.

Ông Nam chia sẻ, hầu hết các app gọi xe đang tồn tại trên thị trường thường hay gặp lỗi, khó sử dụng khiến khách không đặt được xe.

Theo ông Nam phân tích, việc cho ra đời một ứng dụng, duy trì và vận hành trơn tru không dễ. Lỗi xảy ra liên tục, thậm chí như ở Uber hay Grab cũng phải có đội ngũ túc trực, kiểm tra và test lỗi thường xuyên. Như vậy, chi phí lớn là tất yếu. Riêng ở một startup như Vivu, một tháng mất khoảng 200 triệu đồng. Do đó, đây là thách thức lớn đối với các hãng taxi nhỏ muốn sở hữu một app gọi xe.

Bên cạnh đó, cho dù app gọi xe có vận hành trơn tru đi chăng nữa thì cũng rất khó để định vị trong tâm trí người dùng.

“Người gọi xe hướng đến hai thứ: tiện lợi và giá cả. Đối với các hãng nhỏ, quy mô xe ít, cứ cho là người tiêu dùng biết đến và cài đặt lên điện thoại đi chăng nữa thì 1 – 2 lần không gọi được xe, họ sẽ xoá ứng dụng. Uber hay Grab cho họ tất cả những gì họ muốn”, ông Nam nói.

Ông cho rằng sự phát triển app manh mún như vậy sẽ không giúp gì được cho thị trường taxi Việt Nam trước con sóng mang tên Uber hay Grab.

Câu chuyện từ Nhật Bản và tham vọng của Vivu

Không phải ở bất cứ nơi nào Uber đặt chân đến cũng gặp thuận lợi. Nhật Bản là một thị trường như vậy.

Tại Nhật, pháp luật nước này chỉ cho phép tài xế có giấy phép hành nghề mới được lái xe đưa đón hành khách, cấm xe tư nhân hoạt động. Do vậy, tại Tokyo, Uber đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, Hội Cho thuê Taxi Tokyo cũng cho ra đời ứng dụng Takkun với đội xe lớn nhất thành phố gồm 8 công ty taxi thành viên với tổng cộng 11.000 phương tiện, (tại thời điểm nó ra mắt năm 2015). Ứng dụng này cũng có phiên bản bằng tiếng Anh, nhằm vào đối tượng khách du lịch, để cạnh tranh với Uber.

“Chúng tôi mong ước Việt Nam cũng sẽ làm điều này, dù không chắc chắn thành công, nhưng nó mở ra cơ hội cho các hãng taxi trong nước”, ông Nam chia sẻ.

Ông nói rằng Vivu đang có tham vọng trở thành nền tảng gọi xe tương tự như Takkun của Nhật. Theo đó, Vivu muốn cung cấp miễn phí ứng dụng của mình cho các công ty gọi xe trong nước tạo thành một hệ sinh thái taxi. Tuy nhiên, ấp ủ này vẫn đang gặp khó khăn.

“Nhiều chủ hãng taxi đã gọi cho tôi, họ muốn hợp tác. Nhưng cái họ muốn là một cái app riêng với thương hiệu của họ. Đấy cũng phần nào giải thích cho việc tại sao trên thị trường có nhiều app gọi xe như vậy. Cách làm này rất manh mún nhỏ lẻ, không thể nào đối đầu được với Uber hay Grab”, ông Nam nói.

“Uber và Grab là những nền tảng công nghệ gọi xe, họ không sở hữu một chiếc xe nào cả. Do vậy, muốn cạnh tranh với họ cần dùng những thứ tương đương, chứ không phải cứ một hãng taxi lại tồn tại một app”, ông Nam nhấn mạnh.

Ông Trần Thanh Nam vẫn đang trong quá trình đi thuyết phục các ông chủ hãng taxi Việt. Bởi theo quan niệm của ông, câu chuyện cạnh tranh của Việt Nam phải giống như bó đũa, đoàn kết lại thì sẽ có cơ hội thành công, xé lẻ ra thì dễ dàng bị bẻ gãy.

Chuyến đi Hà Nội cho ông một vài tín hiệu khả quan. Còn ở thời điểm hiện tại, ứng dụng Vivu mà ông phát triển đang tập trung ở các thị trường địa phương như Cần Thơ, Vinh, Cà Mau,…

“Ở đó họ thích chúng tôi, ở các thành phố lớn đang cạnh tranh mạnh quá thì về nông thôn phát triển cũng không phải là ý tồi”, ông Thanh Nam nói.

Uber chặn quyền truy cập ứng dụng của tài xế đánh nữ hành khách “bầm mặt”

Bài viết mới