Nguyễn Thành Nam: FPT từng lạc lối 10 năm, khi lạc thì phải hỏi đường, quan trọng là hỏi phải đúng và gặp người chỉ đúng

Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Chủ tịch Đại học FPT kiêm Chủ tịch Đại học trực tuyến FUNix, đã có những chia sẻ về quá trình 10 năm FPT lạc lối và những câu chuyện xung quanh hành trình này.

Đột phá rất dễ bị lạc đường

Ông Nam mở đầu bài diễn thuyết của mình bằng nhận định: “Đột phá rất dễ lạc đường mà theo quan niệm của người Việt, lạc lối là lầm đường lạc lối, rất tiêu cực”.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận FPT từng lạc lối 10 năm.

Ông kể, ngày ông mới về nước, ông và một số người khác, trong đó có ông Trương Gia Bình, ước mơ trở thành Microsoft. Mọi người đã đọc rất nhiều sách về Bill Gates. Nhưng càng đi, nhóm càng thấy xa đích đến.

Năm 1998, ông cùng ông Trương Gia Bình tới Ấn Độ và đó là cột mốc thay đổi hoàn toàn quan điểm của nhóm. Và theo ông, phải đi chứ ngồi bàn không thì vô nghĩa.

“Khi sang Ấn Độ, tôi thấy đây là nơi tiệm cận ngang và phù hợp với mình. Đó là xây dựng công nghệ cao tại quốc gia vẫn còn nghèo. Ở Ấn Độ, có doanh nghiệp bề ngoài nhìn như Microsoft nhưng bên trong thì còn tệ hơn ở Việt Nam”, ông Nam kể.

Lạc thì phải hỏi đường

“Và, cái này quan trọng nhất: lạc phải hỏi đường. Người được hỏi phải biết đường. Tôi may mắn gặp một doanh nhân Ấn Độ. Ông này kính trọng Việt Nam và bảo Việt Nam đánh Mỹ còn được thì làm gì cũng được. Ông ấy nói rằng công ty của ông không phải là công ty công nghệ mà là quản lý con người bằng công nghệ”, ông Nam chia sẻ.

“Và đó là cột mốc thay đổi quan niệm của tôi: Đó là tập trung vào quản lý con người”, ông Nam nói.

Ông kể, đến nay đã 3 lần ông đến gặp doanh nhân Ấn Độ để hỏi, đó là vào năm 1998, 2002 và 2010.

Trong 3 dịp trên, có một lần do biên lợi nhuận của FPT giảm sút ông Nam cũng đã gặp doanh nhân Ấn Độ để cầu kiến. Vị doanh nhân này đã chỉ ra 7 điểm, rất ngắn mà ông Nam vẫn còn giữ.

Và quan trọng nữa là hỏi đúng và gặp người chỉ đúng

Sau nhiều lần đi nước ngoài, ông Nam lại suy nghĩ về con người.

Ông Nam phát hiện ra rằng nhiều trường đại học có khuôn viên rất đẹp, tòa nhà cổ kính nhưng lại ít sinh viên. Trên Internet bắt đầu xuất hiện hình thức MOC (Massive Open Course). Tuy nhiên, đi học cũng làm như đi làm, mọi người đều có thể lạc và khi lạc thì phải biết hỏi.

“Ở FUNIX, đại học trực tuyến, hiện có khoảng 2.000 mentor và 1.500 sinh viên. Bất kỳ khi nào hỏi, sinh viên đều có 4 mentor trực chiến”, ông Nam cho biết.

“Chúng tôi khuyến khích mentor không biết thì bảo là không biết, đừng trả lời lung tung. Bạn đi lạc cũng rất sợ người chỉ đường lung tung”, ông Nam thẳng thắn cho biết.

Theo ông, quan trọng nhất là cách tự học và tự đặt câu hỏi. Không hỏi được thì không học được và không hỏi thì không bao giờ trả lời được.

“Công nghệ mở ra những cơ hội vô cùng to lớn, dù là trong giáo dục, nông nghiệp hay giao thông vận tải. To lớn ở chỗ có thể thay đổi hoàn toàn mô hình kinh doanh. Nhưng quan trọng phải học được kỹ năng hỏi. Lạc đường thì biết hỏi ai. Quan trọng nhất là hỏi đúng và phải có câu hỏi”, ông Nam khẳng định.

Chuyện châu chấu đá voi: Ông lớn FPT đã thua một ông lập trình viên tuổi ngũ tuần ở Cà Mau như thế nào?

Bài viết mới