Luật chỉ cho 3 hay cho nhiều đặc khu?

Thảo luận tại Quốc hội chiều 22/11, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM) nói ông “hơi lạ” về cách làm của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.

Là bởi, phạm vi điều chỉnh của luật chỉ có 3 đơn vị cụ thể: Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) Bắc Vân Phong (Khánh Hoà).

“Cách làm luật xưa nay không thế”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

“Chỉ 3 là đúng”

Theo ông Nghĩa thì thời điểm này đã đủ chín muồi để ra luật chung về đặc khu. Ba đơn vị nói trên đưa vào ba nghị quyết của Quốc hội, giả thiết sau này một trong ba không thành công thì có thể lại dùng nghị quyết để thay đổi, nơi nào đủ điều kiện thì cũng có thể dùng nghị quyết để thành lập thêm chứ không cần sửa luật.

Đồng tình với đại biểu Nghĩa, đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) cho rằng cần ban hành luật chung và ban hành tiêu chí, để sau này nơi nào cứ đủ điều kiện thì lập đặc khu, không cần sửa luật.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cũng đồng tình tách riêng ba đơn vị khỏi dự án luật.

Nhưng nhìn từ quan điểm khác, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) không đồng tình có luật chung, vì theo ông là chưa có đủ thực tiễn, nếu không khéo “trăm hoa đua nở” thì sẽ không còn đúng là đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt nữa.

Giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Thân (Thái Bình) nêu quan điểm: nếu làm luật riêng cho ba khu vực như dự thảo luật thì tốt hơn, vì Việt Nam chưa có kinh nghiệm với mô hình này, cách đi theo ba đơn vị hay hơn đưa ra luật chung.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) nêu rõ, luật hoàn toàn không cấm ban hành một đạo luật cho một hoặc một vài đơn vị hành chính. Thực tế đã có Luật Thủ đô và Hà Nội cũng là một đơn vị hành chính.

Dẫn lại quan điểm của đại biểu Hoa, đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) nói, có nước dùng một luật áp dụng cho nhiều đặc khu và đầu tư không có trọng điểm thì đã thất bại. Ngược lại, có nhiều nước làm luật áp dụng ban đầu cho một số đặc khu, từ đó có đầu tư nguồn lực và đã thành công.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) cũng cho rằng xây dựng luật có phạm vi điều chỉnh ba đơn vị như đề nghị của Chính phủ là đúng chủ trương của Đảng.

Vị đại biểu của tỉnh Kiên Giang – nơi dự kiến lập đặc khu Phú Quốc – cũng cho biết địa phương này đã chuẩn bị sẵn sàng cho các bước tiếp theo sau khi có luật.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lê Thành Vân (Cà Mau) khẳng định ông ủng hộ ban hành luật, nhưng cách làm cần tính toán thêm. Ông Vân cũng cho rằng nên tách chương 5 quy định đặc thù đối với các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc thành nghị quyết thành lập ba đơn vị này.

“Không làm thì 2 cũng không có”

Đi vào một số quy định được cho là vượt trội, các đại biểu lại tiếp tục tranh luận.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không nên quy định cho phép thời hạn sử dụng đất tối đa là 99 năm (luật hiện hành là 70 năm). Quy định về nhà đầu tư chiến lược, theo ông Nghĩa cũng còn dễ dãi, khi mà chỉ cần đáp ứng điều kiện dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng.

Ông Nghĩa cho rằng cần hết sức thận trọng trong thu hút đầu tư nước ngoài, “đừng để họ được 8 còn ta chỉ được 2”.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân không đồng tình: “Trong đầu tư không nên nghĩ họ được 8 mà ta được 2, nếu không làm thì 2 cũng không được”.

Lập luận từ ông Thân là nếu không có nhà đầu tư, thì mảnh đất đó ở đặc khu đó vẫn chỉ để không. Mặt khác ta có thể được 2, nhưng đằng sau thì còn khai thác nhiều vấn đề từ dịch vụ và nhiều cái khác nữa.

“Nếu suy nghĩ là họ được 8, ta được 2 thì không chơi, thì đó không phải là tư duy kinh tế”, ông Thân nhấn manh.

Về thời hạn sử dụng đất, so với có nhiều quốc gia đến 90 năm, đại biểu Thân cho rằng để có cơ chế vượt trội, lôi kéo được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thì nên để 99 năm.

Nên có một đặc khu ảo làm nơi thử nghiệm chính sách cho các doanh nghiệp công nghệ, nội dung số?

Bài viết mới