Thống đốc NHNN Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 09/2017/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2013/TT-NHNN ngày 6/9/2013 quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC. Thông tư 09 đã sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến bán nợ xấu được mua theo giá trị thị trường. Theo đó, VAMC bán khoản nợ xấu theo phương thức thỏa thuận trực tiếp với bên mua nợ, khi giá bán khoản nợ không thấp hơn giá trị ghi sổ số dư nợ gốc của khoản nợ xấu tại VAMC hoặc sau khi đã bán nợ theo phương thức đấu giá hoặc phương thức chào giá cạnh tranh không thành…
Nội dung sửa đổi đáng chú ý tại Thông tư 09 là bổ sung điều kiện các khoản nợ xấu được VAMC mua theo giá trị thị trường. Đây cũng là nội dung quan trọng, được kỳ vọng là công cụ chủ lực giúp VAMC xử lý nhanh, gọn số nợ xấu đang nằm trong kho. Thông 09 cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc thực hiện mua nợ xấu theo giá trị thị trường như việc chuyển khoản nợ xấu đã mua bằng trái phiếu đặc biệt (TPĐB) thành khoản nợ xấu mua theo giá trị thị trường.
Để phát huy công năng của VAMC, điều quan trọng nhất không phải là vốn mà là cơ chế.
Theo Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông, đối với một số khoản nợ mua bằng TPĐB sau chuyển sang cơ chế thị trường, cơ quan này có hai cách “xử”. Một là thông qua con đường mua bán theo cơ chế thị trường, việc này rất khả thi khi mà theo đề án tái cơ cấu các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, VAMC được phép tăng vốn gấp 5 lần so với số vốn hiện có. Cách thứ hai, VAMC tiếp tục thực hiện tái cơ cấu chuyển thành “nợ đẹp”, rồi mới thực hiện bán khoản nợ.
Với phương thức xử lý này, VAMC đang được hỗ trợ tích cực từ Thông tư 09 khi cho phép VAMC xem xét, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm mà khách hàng vay chưa trả của khoản nợ xấu khi khách hàng vay đã hoàn trả toàn bộ nợ gốc của tất cả các khoản nợ xấu tại VAMC. Quy định này giúp VAMC chủ động trong các giải pháp hỗ trợ tối đa khách hàng vượt khó. Ngoài ra, VAMC còn được miễn, giảm tiền lãi quá hạn thanh toán, phí, tiền phạt vi phạm của các khoản nợ xấu đã mua bằng TPĐB.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc ra đời Thông tư 09 của NHNN khá kịp thời. Những sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến mua nợ xấu theo giá trị thị trường của VAMC và quy định về bán nợ xấu, TSBĐ phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 (NQ 42) của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, Nghị định số 61/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết về việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, TSBĐ của khoản nợ xấu.
Về phía mình, để triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 42, ông Nguyễn Tiến Đông cho biết, VAMC sẽ hoàn chỉnh các văn bản nội bộ phù hợp nội dung Nghị quyết, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Các TCTD, Luật Đấu giá tài sản… VAMC cũng bổ sung danh mục bán nợ theo giá trị thị trường gồm cả nhu cầu bán nợ ngoại bảng của TCTD. VAMC đang khẩn trương lên danh mục các TSBĐ thực hiện thu giữ theo Điều 7 của Nghị quyết.
Hiện tại nhóm khách hàng được VAMC mua bằng TPĐB với nợ gốc, lãi gần 7.000 tỷ đồng sẽ được cơ quan này sớm thực hiện các thủ tục theo quy định để thực hiện thu giữ. Ngoài ra, VAMC còn xây dựng danh mục các khoản nợ dự kiến sẽ đề nghị Tòa áp dụng thủ tục rút gọn, đẩy nhanh tiến độ thi hành án. “VAMC phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và khách hàng vay để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý liên quan đến khoản nợ xấu và TSBĐ.
Trong đó, chúng tôi sẽ xây dựng danh mục các TSBĐ là dự án bất động sản đáp ứng các điều kiện để chào bán tới các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Đông chia sẻ thêm về kế hoạch xử lý nợ trong thời gian tới và nhấn mạnh, việc phối hợp tích cực của khách hàng đối với chủ nợ cũng là cách để ghi lại điểm đẹp trong lịch sử hồ sơ tín dụng của khách hàng đối với NH. “Nếu khách hàng có ý thức phối hợp với VAMC, TCTD, sau này có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, chắc chắn sẽ được NH lưu tâm xem xét giải quyết”, ông Đông nhấn mạnh.
Theo tiết lộ của lãnh đạo VAMC, hiện tại cơ quan này đang chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để đưa trung tâm đấu giá đi vào hoạt động. Với nhiều công cụ quyền năng trong tay, đến cuối năm nay, con số nợ xấu mà VAMC phối hợp với TCTD thu hồi sẽ tốt hơn nhiều so với kế hoạch khoảng 23.500 tỷ đồng nợ xấu. Một thành viên Tổ tư vấn Thủ tướng cũng cho rằng, những quy định mới trên chắc chắn sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho VAMC xử lý nhanh nợ xấu. Nhưng điều ông quan tâm nhất không phải là vốn mà là cơ chế nhất là thị trường mua bán nợ phát triển sôi động thì hàng hóa mới lưu thông nhanh. Lúc đó, VAMC mới phát huy hết được công năng của mình.