Từ bánh cuốn Gia An tới Món Huế: Khi đồ ăn đường phố thành chuỗi nhà hàng, khách nước ngoài có phải là mục tiêu chính?

Theo Nikkei, các chuỗi nhà hàng phục vụ món ăn truyền thống đang nở rộ Việt Nam. Nếu như trước đây, các món như bánh cuốn hay phở chỉ được bán ở các cửa hàng nhỏ, khiến nhiều khách nước ngoài lo ngại về vấn đề vệ sinh, ngôn ngữ hay giá cả “chặt chém”, thì nay mọi chuyện đã khác.

Với hơn 10 triệu khách nước ngoài ghé thăm vào năm ngoái, cộng thêm ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều chuỗi nhà hàng đã ra đời. Ở đó khách hàng không chỉ được ăn ngon, mà còn “ăn sạch”, phục vụ tận tình.

Gia An là một trong những chuỗi như vậy. Sau khi cửa hàng đầu tiên ra mắt vào năm 2008, đến nay, thương hiệu bánh cuốn thuộc sở hữu của công ty Toàn Phong đã có số lượng lên tới 17 cửa hàng tại khu vực Hà Nội.

Ở Gia An, các đầu bếp đều mang găng tay khi làm bánh để đảm bảo vệ sinh. Thời gian hấp bánh cũng được căn bằng đồng hồ để giữ độ chính xác. Nguyên liệu sống như thịt lợn và rau chỉ được lấy ra khỏi tủ lạnh vài phút trước khi chế biến. Thực đơn thiết kế đi kèm hình ảnh minh họa lớn và giá thành rõ ràng, nên khách nước ngoài dù không hiểu ngôn ngữ tiếng Việt vẫn có thể chọn món được.

Hoàng Thị Anh, một nhân viên tại đây cho biết 40% khách đến quán là người nước ngoài, hai yếu tố thu hút họ là sự sạch sẽ và tính tiện lợi.

Một chuỗi khác cũng được tờ Nikkei đề cập là Món Huế, thuộc sở hữu của công ty Huy Việt Nam. Theo tác giả Tomiyama, Món Huế có thiết kế giống với các quán ăn gia đình của Nhật Bản, với biển hiệu rực rỡ và không gian dùng bữa rộng rãi. Một điểm đặc biệt là tại đây, khách hàng không được phép hút thuốc lá.

Mức giá từ 55.000 trở lên cho một bát bún bò Huế hoặc bún nem nướng bị một số người đánh giá là cao, tuy nhiên với khách nước ngoài, và nhiều khách Việt, đây là mức giá chấp nhận được. Thái độ nhân viên cũng được đánh giá khá tốt vì trước khi vào làm, mỗi người đều phải trải qua một khóa tập huấn kéo dài 1 tuần để tìm hiểu về dịch vụ khách hàng.

Chị Nguyễn Kiều Anh, 35 tuổi, cho biết chị thường xuyên lựa chọn chuỗi nhà hàng Món Huế của Huy Việt Nam vì đồ ăn hợp vệ sinh, dịch vụ tốt và thân thiện với khách hàng.

Ngoài hai chuỗi kể trên, một chuỗi khác cũng đã đưa món ăn đường phố Việt Nam thành mô hình kinh doanh bài bản, đó là Bami King. Thông thường khách hàng được tự do lựa chọn nguyên liệu ăn kèm trong bánh mì, thì tại Bami King, có 4 lựa chọn cố định làm từ thịt bò và hương liệu. Phong cách thiết kế giống các cửa hàng ăn nhanh cũng mang lại cảm giác thân thuộc cho khách nước ngoài.

Trần Khánh Linh, nhân viên Bami King cho biết một nữa khách tại cửa hàng là người nước ngoài, và đa phần họ đều chỉ vào thực đơn để chọn món. Tuy nhiên hiện nay, Bami King đang gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ những chuỗi khác như iBanhmi hoặc Bánh mì Minh Nhật.

Trên thực tế, việc kinh doanh nhà hàng với các món truyền thống không hề dễ dàng. Chi phí thuê mặt bằng cao đẩy giá thành món ăn lên cao, khiến nhiều khách hàng e dè. Nếu chỉ nhắm vào khách nước ngoài mà không duy trì được tập khách hàng trung thành thì sớm muộn, nhà hàng cũng rơi vào tình trạng đóng cửa.

“Mỗi lần thuê một địa điểm mới là mỗi lần hồi hộp không khác gì một trận chung kết bóng đá, chừng nào hết 90 phút và trái bóng ngừng lăn mới biết mình thắng hay thua. Nhà hàng cũng vậy, chừng nào đông khách rồi thì mới chắc là mình thành công”, ông chủ một chuỗi hàng đã từng tiết lộ với truyền thông như vậy.

Ngành công nghiệp chuỗi nhà hàng đang gặp khủng khoảng nghiêm trọng: Doanh số giảm, tốc độ tăng trưởng bằng 0, người tiêu dùng bị ‘bội thực” lựa chọn

Bài viết mới