Năm 2017, xuất khẩu thủy sản được dự báo gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường thấp cùng những rào cản kỹ thuật từ các nước nhập khẩu chính. Do vậy, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 đạt khoảng 7,4 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2016. Song, ngành thủy sản đã vượt qua khó khăn và về đích sớm 1 tháng.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, từ ngày 1/1 – 15/11/2017 xuất khẩu thủy sản đã đạt giá trị trên 7,2 tỷ USD và kim ngạch xuất khẩu thủy sản trong tháng 11/2017 ước đạt 728,118 triệu USD. Cộng dồn 11 tháng đạt giá trị 7,565 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2017 sẽ vượt dự báo khoảng 156 triệu USD.
Đổi ngôi ở các thị trường chính
Hiện nay, top 4 thị trường xuất khẩu thủy sản hàng đầu của Việt Nam đã có sự thay đổi, theo đó lần lượt là: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và đã có sự thay đổi vị trí số 1 giữa Mỹ và EU. Nhìn chung 10 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong tháng 10 đạt 168,803 triệu USD, tăng 37,5% so với cùng kỳ 2016 và 8,84% so với tháng 9. Cộng dồn 10 tháng, xuất khẩu thủy sản vào thị trường EU đạt giá trị 1,215 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ 2016.
Đây là lần đầu tiên EU vượt qua Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản số 1 của Việt Nam. Trong khối EU, Hà Lan là thị trường có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất, chỉ trong tháng 10, kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường này tăng tới 80,3% so với cùng kỳ 2016, đưa giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt 243,668 triệu USD, tăng 43,8% so với cùng kỳ 2016.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ – từ thị trường số 1, rớt xuống vị trí thứ 2 do tăng trưởng chậm lại và bị sụt giảm nhẹ (2,5%) về kim ngạch. Nguyên nhân chính là do Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao đối với 2 mặt hàng tôm và cá tra, khiến các mặt hàng này bị giảm khả năng cạnh tranh so với các đối thủ.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nhật Bản tăng 21,8%. Dự báo, sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ đồng JPY tăng giá so với USD và các ngoại tệ khác.
Nhu cầu tiêu thụ thủy sản ở Trung Quốc đang tăng rất mạnh nhưng nguồn cung nội địa không đáp ứng đủ. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc đang có chủ trương giảm đánh bắt từ tự nhiên để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, Trung Quốc đang có những chính sách khuyến khích nhập khẩu thủy sản. Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc.
Hàng giá trị gia tăng “đẩy” kim ngạch tăng
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu thủy sản trong năm 2017, ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký Vasep cho biết, năm nay kim ngạch xuất khẩu thủy sản vào thị trường Mỹ giảm là do rào cản kỹ thuật và thuế chống bán phá giá cá tra, tôm khá cao làm ảnh hưởng hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp và kéo lùi kim ngạch ở thị trường này, nhưng sự tăng trưởng khả quan ở các thị trường chính khác đã bù vào sự sụt giảm ở thị trường Mỹ.
Như việc EU tăng cường nhập khẩu tôm của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng chế biến có giá trị gia tăng cao, và tác động của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU có hiệu lực từ năm 2018 là yếu tố chính đẩy kim ngạch xuất khẩu vào EU tăng lên.
Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc bắt đầu chú ý và tăng nhập khẩu hàng từ Việt Nam, các doanh nghiệp đã nỗ lực tìm cách tránh những rủi ro căn bản để gia tăng xuất khẩu mà vẫn an toàn ở thị trường Trung Quốc.
Tất cả những yếu tố trên đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thủy sản tăng trưởng tốt và làm gia tăng doanh số trong năm nay. Song, nhìn chung tình hình xuất khẩu thủy sản trong năm 2017 không có những đột biến như giai đoạn 2010-2011, nhưng cái chính yếu là một số thị trường bắt đầu chú ý nhiều hơn tới thủy sản Việt Nam.
“Có thể khối lượng thủy sản xuất khẩu năm nay không tăng nhiều nhưng xét về mặt giá trị thì tăng cao, vì có thuận lợi là các doanh nghiệp tập trung sản xuất các mặt hàng xuất khẩu có hàm lượng chế biến để nâng cao giá trị gia tăng. Đặc biệt là xuất sang thị trường EU. Chính điều này đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu về đích sớm hơn 1 tháng”, ông Hoè nhấn mạnh.
EU hiện đang là thị trường số 1 của xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhưng với việc bị “dính” thẻ vàng IUU và có nguy cơ đổi màu thẻ, nếu vấn đề này xảy ra sẽ tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU trong năm sau.
Do vậy, vấn đề bây giờ là toàn ngành thủy sản và các cơ quan Chính phủ phải hành động tích cực và quyết liệt để “thoát” thẻ vàng, và chí ít thì cũng không để đổi màu thẻ làm ảnh hưởng lớn đến kế hoạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong năm 2018.