Ngày 20/11, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án Lừa đảo hơn 38 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank).
Trước đó, năm 2015, TAND TP Hà Nội tuyên án sơ thẩm với các bị cáo trong vụ án gồm Đào Hữu Tình (SN 1978, ở Bắc Ninh) – nguyên Chủ tịch Cty CP tập đoàn Ban Mai lĩnh 20 năm tù; Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1977, ở Thanh Xuân, Hà Nội) 13 năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, có 3 bị cáo được xác định phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng gồm Lê Tuấn Phương – nguyên Trưởng phòng Khách hàng và Thẩm định SeaBank nhận 36 tháng tù treo; Trần Thị Thu Hằng – nguyên cán bộ phòng Khách hàng và Thẩm định SeaBank nhận 30 tháng tù treo; Nguyễn Văn Hợi – nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (ĐKKD), Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tỉnh Hà Nam lĩnh 24 tháng tù treo.
Về phần dân sự, các bị cáo Tình và Hằng phải trả lại số tiền SeaBank bị chiếm đoạt, chưa thu hồi được. Sau đó, Tình và Hằng kháng cáo kêu oan, phía viện kiểm sát kháng nghị theo hướng tăng hình phạt của các bị cáo.
Theo án sơ thẩm, Tình biết ông Hà Văn Nga đang muốn bán Cty TNHH Viễn Đông (ở Hà Nam) với giá 75 tỷ đồng nhưng không có tiền mua nên rủ Hằng góp vốn. Đặt cọc xong, ông Nga bổ nhiệm Tình làm TGĐ Cty Viễn Đông. Với tư cách này, năm 2007, Tình xin vay 100 tỷ đồng từ SeaBank để Cty Viễn Đông đầu tư nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Để được duyệt vay, Tình lập khống các biên bản, hợp đồng của Viễn Đông để đưa tên mình vào đăng ký của Cty tại Sở KHĐT tỉnh Hà Nam. Đối tượng cũng che giấu việc giấy tờ mảnh đất của Cty Viễn Đông thế chấp cho SeaBank đang bị giữ tại Quỹ hỗ trợ phát triển Hà Nam.
Tiếp đó, Tình và Hằng mua 92 hóa đơn giá trị gia tăng khống kèm 13 hợp đồng thể hiện đã thi công xây dựng các hạng mục của nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi với tổng trị giá gần 105 tỷ đồng. Căn cứ vào hồ sơ của Tình, SeaBank đã giải ngân cho Cty Viễn Đông vay hơn 38 tỷ đồng. Số tiền này được Tình và Hằng mang đi trả nợ hoặc chi tiêu cá nhân.
Để xảy ra vụ án có trách nhiệm của 2 bị cáo là cán bộ của SeaBank gồm Lê Tuấn Phương và Trần Thị Thu Hằng. Cả 2 đã không thẩm định kỹ hồ sơ vay vốn, không phát hiện các chữ ký giả mạo và kiểm tra thực tế các hạng mục xây dựng… Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Văn Hợi – nguyên Trưởng phòng ĐKKD, Sở KHĐT tỉnh Hà Nam cũng thiếu trách nhiệm trong việc cấp và thu hồi giấy ĐKKD của Cty Viễn Đông, để Tình và Hằng chiếm đoạt tiền của SeaBank.
Quá trình giải quyết vụ án, CQĐT đã khởi tố ông Lê Văn Chí – nguyên TGĐ SeaBank vì để cấp dưới làm không hết chức trách, nhiệm vụ trong các khâu kiểm tra, giám sát thực tế khoản vay. Tuy nhiên, phía nguyên đơn dân sự – SeaBank đề nghị để ngân hàng xem xét xử lý nội bộ với ông Chí vì ông là người sáng lập, có công lớn với SeaBank. Năm 2014, CQĐT đã ra quyết định đình chỉ bị can với ông Chí.
Sau khi nghị án, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Theo HĐXX phúc thẩm, vụ án có nhiều vấn đề chưa được làm rõ như giám định chữ viết, con dấu; việc bị cáo Tình chuyển 6,9 tỷ đồng cho ông Nga để mua Cty Viễn Đông; số tiền 3,5 tỷ đồng bị cáo đầu tư mua nguyên vật liệu, máy móc hiện vợ ông Nga kế thừa và quản lý…
Ngoài ra, tòa phúc thẩm quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn Đào Hữu Tình từ giam giữ sang tại ngoại bởi sức khỏe bị cáo đã suy giảm, gia đình Tình nhiều lần có đơn xin…