Vượt đỉnh 8.000 USD, bitcoin là gì mà khiến thế giới phải dậy sóng?

Đáy 5.500 USD trong tuần trước của bitcoin đã khá xa vời bởi sáng sớm hôm nay đồng tiền số này lại tăng lên hơn 8.100 USD trước khi giảm nhẹ xuống còn 8.000 USD tại thời điểm viết bài.

Thông tin tích cực khiến bitcoin tiếp tục phá đỉnh đến từ LedgerX – sàn giao dịch tiền số được Hiệp hội Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cấp phép là cơ sở thực hiện giao dịch hoán đổi và phòng thanh toán bù trừ tiền số. Ngày 18/11, phía này đã đưa ra tuyên bố trên website rằng hợp đồng quyền chọn mua bitcoin trị giá 2.250,25 USD đầu tiên đã được giao dịch có ngày đến hạn là 28/12/2018 và giá mua bitcoin vào ngày đến hạn là 10.000 USD.

Như vậy, theo như lô hợp đồng này thì giá bitcoin vào năm 2018 sẽ có giá lớn hơn 10.000 USD. Trong tuyên bố của mình, phía LedgerX cũng nhận định 25% giá bitcoin sẽ đạt được mục tiêu trên.

Không thiếu những lần bitcoin rơi xuống đáy rồi lại hồi phục mạnh mẽ chỉ sau vài ngày. Điều đó cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào đồng bitcoin là rất lớn.

Vậy bitcoin là gì mà khiến thế giới phải dậy sóng?

Bitcoin là một loại tiền tệ kỹ thuật số được tung ra vào tháng 1/2009, có đặc điểm chính là được xây dựng dựa trên mạng lưới ngang hàng (peer-to-peer network – một mạng máy tính trong đó hoạt động của mạng chủ yếu dựa vào khả năng tính toán và băng thông của các máy tham gia chứ không tập trung vào một số nhỏ các máy chủ trung tâm như các mạng thông thường) để tạo ra một sổ cái phân quyền sử dụng công nghệ blockchain.

Do đó, bitcoin không có nhà quản lý trung tâm nào tạo ra nó. Thay vào đó, tất cả các chức năng nắm giữ hoặc giao dịch chuyển tiếp đều được thực hiện bởi mạng lưới ngang hàng của chính nó.

Điều này trái ngược với tiền tệ truyền thống. Việc tạo ra tiền thuộc về ngân hàng trung ương hoặc tổ chức tài chính cho vay. Tương tự, dữ liệu về những người dư tiền và người thiếu tiền, việc thực hiện giao dịch giữa họ cũng được tập trung hoá bởi ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính.

Trong sách trắng của Satoshi Nakamoto, bitcoin được định nghĩa là:

“Một phiên bản tiền điện tử hoàn toàn ngang hàng cho phép thanh toán trực tuyến trực tiếp giữa 2 bên mà không phải qua một tổ chức tài chính nào”.

Blockchain là gì?

Để đạt được tính chất ngang hàng, bitcoin phải duy trì một sổ cái phân quyền sử dụng công nghệ blockchain.

Giống như tên gọi của nó, blockchain bao gồm một chuỗi các khối dữ liệu được xử lý bởi thợ mỏ. Để khai thác, các thợ mỏ phải giải quyết một bài toán mật mã dựa trên chuỗi hiện có. Khi một khối được khai thác có hai điều xảy ra:

Thứ nhất, thợ mỏ nhận được một phần thưởng khối vì tìm thấy khối đầu tiên. Phần thưởng khối là một số lượng bitcoin mới giảm dần theo thời gian được sắp lịch sẵn. Điều này đồng nghĩa với việc đến một lúc nào đó, thợ đào bitcoin sẽ không nhận được phần thưởng cho phần việc của mình nữa. Bitcoin cũng được thiết kế với nguồn cung có hạn 21 triệu đồng. Tại thời điểm viết bài, số lượng bitcoin đã được khai thác là 16.688.162 đồng.

Thứ hai đối với mạng lưới, công việc của thợ mỏ có tác dụng đưa thông tin các giao dịch vào một khối mới. Hiện tại, mỗi một khối trong chuỗi blockchain của bitcoin có kích thước kaf 1MB. Nó cho phép thợ mỏ giải quyết trung bình 2.000 giao dịch cho mỗi khối. Các giao dịch trả phí cao hơn sẽ được ưu tiên giải quyết trước. Khi một khối được đào xong, khối đó sẽ được thêm vào chuỗi blockchain và công việc bắt đầu trên một khối mới. Tất cả các giao dịch một khi đã được thêm vào chuỗi blockchain tức là đã được xác nhận cà không thể bị thay đổi.

Blockchain không chỉ là một sổ cái phân quyền mà còn có thể ngăn chặn các cuộc tấn công như chi tiêu đôi (sử dụng 2 giao dịch khác nhau để chi tiêu cùng một số dư tài khoản). Đặc tính ngăn cản chi tiêu đôi chính là mạng lưới ngang hàng chỉ chấp nhận blockchain dài nhất. Điều này có nghĩa là sổ cái được bảo vệ bởi một bằng chứng công việc (proof of work) do một blockchain dài hơn có nhiều công việc (giải quyết các bài toán mật mã mà mỗi khối đưa ra) gắn kết với nó hơn. Do đó, công việc khai thác bitcoin không chỉ nhằm mục đích tạo ra tiền tệ và xác minh giao dịch mà còn đảm bảo quá trình đó diễn ra an toàn.

Mặc dù bitcoin sử dụng công nghệ blockchain, bản thân blockchain không được cấp bằng sáng chế (hoặc có thể cấp bằng sáng chế). Bất cứ ai cũng có thể khởi động một blockchain khác để vận hành không chỉ là các loại tiền số phân quyền mà còn có mục đích khác. Ví dụ, một blockchain có thể được sử dụng để bảo vệ và theo dõi thành phần thông qua một chuỗi giá trị, do đó nguồn gốc của chúng được đảm bảo tuyệt đối.

Đà tăng giá ấn tượng của bitcoin đã tạo nên hiệu ứng tích cực, làm sinh ra hàng trăm đồng tiền số khác. Những đồng tiền số mới sử dụng cùng một công nghệ với bitcoin nhưng thường có thêm các đặc tính khác nhau nhằm làm tăng thêm tính hấp dẫn về mặt kỹ thuật.

Với mức giá cao nhất toàn thời gian 8.100 USD, bitcoin đã tăng gấp 7 lần so với thời điểm đầu năm.

Sếp Morgan Stanley: “Bitcoin không đáng được chú ý nhiều như thế”

Bài viết mới