Bộ trưởng Tài chính: Cơ chế đặc thù cho tăng thuế không có nghĩa là TP.HCM sẽ tăng thuế ngay

Sáng ngày 20/11, sau khi các đại biểu Quốc hội thảo luận về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu.

Theo Bộ trưởng, đa số các đại biểu tán thành một cơ chế đặc biệt.

Về sự cần thiết của cơ chế, theo Bộ trưởng, thành phố đã và đang là đầu tàu của kinh tế của cả nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 1,6 lần tốc độ tăng trưởng cả nước, đóng góp 1/5 vào tổng GDP cả nước, 99% khu vực kinh tế là công nghiệp, dịch vụ. Như vậy thành phố phát triển nhanh hơn sẽ thôi thúc sự phát triển của cả nước.

Riêng về đóng góp ngân sách, đây là địa bàn đóng góp lớn nhất vào ngân sách trung ương (tới 30%). Thành phố thu được 100 đồng thì đóng góp tới 82 đồng cho ngân sách trung ương. Tp. Hồ Chí Minh tăng thu sẽ giảm gánh nặng cho các địa phương khác.

Nhưng vấn đề hiện nay là thành phố đang tăng trưởng chậm lại. Thành phố từng đạt mức tăng trưởng hai chữ số (10,7% bình quân từ 1986 – 2010), trong khi từ 2011 tới nay đã giảm về một con số. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ phát triển của nền kinh tế cả nước. Dù rằng các địa phương khác tăng trưởng vượt bậc nhưng đóng góp nhỏ nên không thể kéo được nền kinh tế đi lên. Do kinh tế giảm nên nguồn thu đóng góp vào ngân sách cũng giảm đi.

Về các cơ chế, chính sách thí điểm, theo Bộ trưởng, chủ yếu liên quan phân cấp, phân quyền đối với công tác quản lý đất đai, quản lý đầu tư, tài chính, cơ chế, ủy quyền giữa các cấp, vấn đề về thu nhập của công chức viên chức…theo quy định thì các vấn đề này do cấp trên ban hành, nay muốn đưa về TP thí điểm.

Với một số nội dung pháp luật chưa xây dựng, đề nghị Quốc hội cho phép Thành phố xây dựng để báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ hoặc Quốc hội để cho thí điểm áp dụng trên địa bàn thành phố.

Qua theo dõi cho thấy đa số các đại biểu đồng ý, nhưng vẫn có ý kiến băn khoăn về cơ chế liên quan đánh thuế tài sản… Bộ trưởng cho rằng các băn khoăn này là xác đáng. Khi đề xuất cơ chế này, ban soạn thảo đã lường trước các vấn đề nảy sinh và trong dự thảo nghị quyết đã đảm bảo không để ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp, đặc biệt là DNNVV, tập trung vào các hàng hóa, thu nhập phát sinh trên địa bàn thành phố.

Hơn nữa, Quốc hội ban hành nghị quyết này không có nghĩa là Thành phố sẽ tăng thuế ngay, mà phải xây dựng đề án cụ thể, như là tăng mức bao nhiêu, đối tượng nào, đánh giá tác động lên doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, đời sống người dân, tác động xã hội…để báo cáo lên Quốc hội nếu cần thiết và xin ý kiến.

Về thuế tài sản, theo Bộ trưởng, đây là mức thuế mới, khó và cần đồng bộ của các lĩnh vực quản lý khác, cũng cần sự đồng thuận nên có thí điểm để tổng kết để nhân rộng.

Bộ trưởng nói đồng tình với các đại biểu về việc mở rộng đối tượng thu thuế, nhất là các thuế điều tiết tiêu dùng trên địa bàn thành phố, gồm các mặt hàng ảnh hưởng đời sống người dân, các mặt hàng ô nhiễm môi trường, đồng thời quản lý tốt để chống chuyển giá, gian lận thương mại…

Về tác động của nghị quyết, Bộ trưởng cho biết, khi xây dựng cơ chế đã tính toán trước để đảm bảo không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách cũng như nợ công của đất nước cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội đã thông qua. Từ nay đến 2020, thành phố sẽ phân bổ ngân sách về trung ương với tỷ lệ hiện hành, ngân sách trung ương cũng sẽ không phân bổ thêm về cho thành phố.

Về thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, Bộ trưởng cho biết, theo kế hoạch thu từ thành phố là 20.000 tỷ đồng trong tổng 250.000 tỷ của kế hoạch 5 năm, nay ban soạn thảo trình để lại nguồn này cho thành phố. Nhưng trong bối cảnh cân đối ngân sách khó khăn nên để tránh ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, Chính phủ đề xuất phương án không hỗ trợ trở lại số hơn 18.800 tỷ cho thành phố; hoặc có thể nghiên cứu theo cách không ảnh hưởng đến quá trình triển khai các dự án, Thành phố cứ triển khai theo phương án ngân sách đã phân bổ, trong quá trình thực hiện thì sẽ hoàn lại.

Theo Bộ trưởng, theo kế hoạch cổ phần hóa 38 doanh nghiệp trên địa bàn, giá trị sổ sách khoảng 42 nghìn tỷ, thành phố dự kiến thu 67 nghìn tỷ từ khoản này. Lúc đó, theo dự thảo nghị quyết thì phần để lại cho thành phố sẽ là nguồn lực đáng kể để phát triển.

Về nguồn thu từ bán tài sản trên đất và quyền sử dụng đất, theo Bộ trưởng, về sắp xếp lại nhà ở thuộc sở hữu của Nhà nước, theo quy định khoản thu từ đây là ngân sách trung ương 100% (kể từ năm 20170 và trước đây là 50%. Dự thảo nghị quyết quy định Ngân sách thành phố sẽ được hưởng 50% như giai đoạn trước sau khi đã trừ kinh phí di dời, xây dựng CSVC tại địa điểm mới do các cơ quan quản lý trung ương quản lý trên địa bàn thành phố.

Về nâng dư nợ vay của thành phố. Cuối năm 2017 dư nợ ước tính bằng 40% hạn mức dư nợ, nếu nâng dư nợ vay lên mức 90%, nếu theo dự tính năm 2018 thì sẽ tăng thêm 15.000 tỷ so với quy định hiện hành, sẽ đảm bảo cho thành phố có thêm dư địa vay, đẩy mạnh cho vay lại từ nguồn của Chính phủ vay nước ngoài, tránh để thất thoát như hiện nay. Dự kiến theo các hiệp định đã ký, trong số vay đó dự kiến thành phố hàng năm có khoản 1 tỷ USD phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng…Hàng năm căn cứ vào mức trần nợ công, Chính phủ sẽ tính toán phù hợp cho các địa phương, bao gồm cả TPHCM để đảm bảo nợ công trong giới hạn cho phép.

Về ý kiến áp dụng cho cả Hà Nội, theo Bộ trưởng, HN đã có luật Thủ Đô, vừa rồi Chính phủ cũng đã có kết luận đối với Hà Nội. Tới đây Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và cụ thể hóa kết luận của Bộ Chính trị để phát triển Hà Nội.

Bộ trưởng cho rằng trên cơ sở đó đề nghị các đại biểu và Quốc hội thông qua để thành phố phát triển đúng tiềm năng.

Bài viết mới