Tác động lớn nhất mà Uber và Grab tạo ra là suy nghĩ làm tự do cũng sống tốt, bật smartphone là kiếm được tiền!

Thay đổi tư duy để phù hợp với Công nghiệp 4.0

50.000 lái xe GrabBike, 20.000 cơ hội việc làm đã được tạo ra bởi uberMOTO, gần 24.000 ô tô dưới chín chỗ ngồi được cấp phù hiệu xe hợp đồng tại TP.HCM, gần 14.500 xe tham gia thí điểm hợp đồng điện tử trên địa bàn Hà Nội,… Đó là những con số biết nói sau 2 năm Uber, Grab tham gia thị trường Việt Nam.

Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Uber và Grab đã thúc giục các doanh nghiệp taxi truyền thống làm mới mình. Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận xét rằng, những thay đổi của các hãng taxi truyền thống trong thời gian qua là nhanh chưa từng có. Chỉ trong 2 năm, rất nhiều hãng đã tái cấu trúc doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ vào hoạt động điều hành taxi, ra mắt ứng dụng đặt xe.

Thậm chí, taxi cũng có thể là xe 2 bánh với dịch vụ “xe ôm công nghệ” của Mai Linh. Sau khi Mai Linh Bike được triển khai chính thức, xe ôm đã trở thành ngành nghề kinh doanh mới của hãng taxi 25 năm tuổi.

Tác động lớn nhất mà Uber và Grab tạo ra là suy nghĩ làm tự do cũng sống tốt, bật smartphone là kiếm được tiền! - Ảnh 1.

Dịch vụ “xe ôm công nghệ” của hãng taxi Mai Linh.

Tuy nhiên, nếu mỗi lái xe không thay đổi tư duy thì mọi sự chuyển mình của các hãng taxi đều sẽ thất bại ngay từ bước đầu tiên. Ngay bản thân các startup theo mô hình kết nối tương tự cũng thừa nhận, họ được hưởng lợi nhờ việc Uber và Grab tạo lập thị trường và thay đổi suy nghĩ của lái xe.

Uber, Grab đã đổ rất nhiều tiền vào thị trường Việt Nam và giúp tạo nên suy nghĩ làm tự do cũng tốt, bật smartphone là kiếm được tiền. Trước đây, không ai hiểu chúng tôi đang làm gì. Còn hiện tại, chỉ cần nói rằng chúng tôi giống Uber nhưng làm chuyển đồ là người ta đã tưởng tượng được luôn. Mỗi ngày có hàng trăm lái xe được tuyển mới và công ty đang tăng trưởng rất nhanh” – Nguyễn Trường, sáng lập viên – CEO AhaMove, startup với mô hình kết nối giữa người có nhu cầu vận chuyển hàng hóa với lái xe nhàn rỗi.

Khi thay đổi tư duy, mọi người đều có thể khởi nghiệp

Từ câu chuyện của Uber và Grab có thể thấy rằng, để thành công, mỗi doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp, cách tiếp cận riêng và tạo ra sự khác biệt. Biết phát hiện vấn đề và có một tầm nhìn khác biệt là vô cùng quan trọng để đưa doanh nghiệp, quốc gia tiến lên phía trước trong bối cảnh ngày nay.

Tại hội thảo Năng lực cạnh tranh và phát triển bao trùm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên công nghệ số là trọng tâm trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. “Thế giới siêu kết nối cũng kết nối vạn vật, kết nối thiên nhiên vào cuộc sống của chúng ta. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp. Đây chính là cơ hội cho sự phát triển bao trùm” – Phó Thủ tướng nói.

Thế giới hôm nay, với nhiều công nghệ đột phá mang tính sáng tạo phá hủy đã loại bỏ dần ưu thế của kinh nghiệm, của hạ tầng cũ, của mô hình kinh doanh cũ. Trong thời đại này, tương lai và triển vọng kinh tế không nằm trên đường kéo dài của quá khứ, nên một quốc gia đang phát triển, với ít hành trang của quá khứ, hoàn toàn có thể đi nhanh hơn và đuổi kịp các nước phát triển.

Cuộc cách mạng 4.0 là cuộc cách mạng về phát hiện nhu cầu hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Một quốc gia đang phát triển với nhiều nhu cầu hơn, nhiều vấn đề hơn lại là một lợi thế để tạo ra nhiều hơn sự phát triển” – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định.

Ông Meir Dardashti, chuyên gia phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo từ Vườn ươm Ideality Roads (Israel) cho rằng, Việt Nam cần xây dựng hệ sinh thái với đầy đủ mọi yếu tố để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Để thành công, startup cũng cần coi thất bại là một khoản đầu tư và tạo dựng văn hóa: “Hãy cứ thử nghiệm, hãy cứ thất bại, chúng ta có thể thành công”.

Tác động lớn nhất mà Uber và Grab tạo ra là suy nghĩ làm tự do cũng sống tốt, bật smartphone là kiếm được tiền! - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, mọi người dân đều có thể khởi nghiệp”.

Trở lại câu chuyện của taxi truyền thống, ông Nguyễn Văn Thanh mong muốn, ngày càng nhiều doanh nghiệp vận tải ô tô áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, tái cấu trúc doanh nghiệp của mình để giảm chi phí, đưa ra mức giá tốt hơn đến khách hàng. Một bộ phận khách hàng muốn đi xe du lịch bốn chỗ ngồi, phần khác lại thích trải nghiệm dịch vụ trên xe máy,… cho thấy thị trường taxi chưa chật chội và luôn rất phong phú, đa dạng.

Bắt đầu từ thay đổi tư duy, mỗi cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia mới có thể tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Cùng là “xe ôm công nghệ”, tại sao Uber và Grab áp dụng mức giá linh hoạt, còn Mai Linh thì không?

Bài viết mới