Theo Chương trình làm việc của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, sáng nay (20/11) Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về cơ chế, chính sách phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng sẽ báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Tại phiên làm việc buổi chiều nay, đầu giờ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Sau đó, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Ở nội dung thứ hai, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi). Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật Đo đạc và bản đồ (sửa đổi).
Trước đó, sáng ngày 26/10, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TCTD. Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã giải trình thêm một số vấn đề mà Đại biểu Quốc hội nêu khi thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD.
Theo đó, liên quan đến vấn đề về trách nhiệm của người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, hiện tại Dự thảo luật trình Quốc hội xem xét đã không còn quy định này.
Song, theo đề xuất của Chính phủ, việc miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém được thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ, cụ thể về việc miễn trừ trách nhiệm chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện: Thứ nhất là người được giao phải thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn một cách trung thực; Thứ hai, theo đúng quy định của pháp luật; Thứ ba là đúng các phương án cơ cấu lại TCTD đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Mặc dù có ý kiến cho rằng trường hợp đã thực hiện đúng quy định pháp luật thì đương nhiên không bị truy cứu trách nhiệm, tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện việc cơ cấu lại và xử lý các ngân hàng yếu kém thời gian vừa qua thì việc thiếu các quy định cụ thể đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của những người tham gia cơ cấu lại TCTD yếu kém và đa số cán bộ tham gia việc cơ cấu lại là nhân viên của các ngân hàng thương mại, họ không phải là cán bộ công chức của nhà nước. Do vậy, có tình trạng nhiều cán bộ từ chối, đã được cử sang rồi thì tìm cách thay đổi và xin thôi nhiệm vụ.
Theo Thống đốc, đây là những bất cập rất lớn trong việc có thể trưng tập được những cán bộ có đạo đức, có năng lực và kinh nghiệm để tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém. Trong khi nếu chờ quy định sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật Hình sự hay Luật Cán bộ công chức, chúng tôi cho rằng không đảm bảo tính kịp thời, toàn diện của việc tạo lập khuôn khổ pháp lý để xử lý các TCTD yếu kém. Do vậy, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo rất mong Quốc hội xem xét, cân nhắc để bổ sung nội dung này vào dự thảo luật
Về phương án phá sản, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, với vai trò là trung gian tài chính trong hoạt động huy động và cho vay, các TCTD có thể có nguy cơ khi yếu kém thì phải đối mặt với tình trạng bị rút tiền hàng loạt, đe dọa đổ vỡ dây chuyền, ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, Chính phủ cũng như cơ quan soạn thảo đã rà soát và nghiên cứu rất kỹ các quy định tại phương án phá sản để đảm bảo sự thận trọng cần thiết. Đồng thời Thống đốc cũng cho biết, chủ trương phá sản chỉ xem xét theo nguyên tắc là biện pháp cuối cùng, khi TCTD được kiểm soát đặc biệt không có khả năng thực hiện hoặc thực hiện không thành công các phương án khác, như phục hồi, sáp nhập, hợp nhất, giải thể hoặc chuyển giao bắt buộc.
Liên quan tới vấn đề xử lý chuyển tiếp ngân hàng thương mại đã mua bắt buộc như ý kiến của một số đại biểu, Thống đốc cho biết, tại Điều 3 của dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã rà soát và quy định các nội dung để tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể xử lý các ngân hàng đã mua bắt buộc trước ngày luật này có hiệu lực, bao gồm cả việc điều chỉnh, sửa đổi và thay thế phương án để cơ cấu lại các ngân hàng này…