Về mảnh đất xứ Nghệ, hỏi thăm xã Diễn Tháp, (huyện Diễn Châu) chẳng ai là không biết. Nơi đây đã quá nổi tiếng về độ giàu có. Nếu như trước kia, Diễn Tháp được quen gọi cái tên làng đồng nát thì nay, với những ngôi biệt thự tiền tỷ mọc san sát, trở thành “làng biệt thự”.
Đến làng đồng nát, ngắm biệt thự bạc tỷ
Là xã thuần nông, mỗi hộ dân có vài ba sào ruộng khoán nên người dân phải bươn chải khắp nơi mưu sinh. Đa phần họ đi thu mua phế liệu để kiếm sống qua ngày và cũng để phục vụ cho nghề đúc đồng truyền thống trong xã.
Khi có được thông tin giá phế liệu ở nước Lào thấp, người dân Diễn Tháp ồ ạt kéo nhau sang Lào thu mua và đưa những sản phẩm dân dụng tái chế sang trao đổi, buôn bán.
Hai bên đường vào trung tâm xã Diễn Tháp là những dãy nhà biệt thự liền kề nhau.
Phế liệu sau khi thu mua được chuyển về nước phân loại, tái chế rồi đưa trở lại Lào bán. Cứ như vậy, những chuyến xe như những con thoi chạy sang Lào rồi về nước, mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân Diễn Tháp.
Khi đã có được số vốn ổn định, từ những năm 2.000 người dân Diễn Tháp đua nhau xây nhà tầng. Chỉ trong một thời gian ngắn, Diễn Tháp mang một bộ mặt hoàn toàn mới, những biệt thự tiền tỷ nằm san sát nhau nối thành một con phố dài dọc theo trung tâm xã.
Theo thống kê, toàn xã có trên 1.000 người thường xuyên làm ăn, buôn bán tại Lào; có khoảng 40 hộ gia đình thành lập các đại lý lớn nhỏ để thu gom các mặt hàng cung cấp sang Lào.
Từ nghề buôn bán đồng nát, xã Diễn Tháp đã trở thành một trong những xã giàu nhất của tỉnh Nghệ An. hiện có hàng trăm hộ giàu, số biệt thự đếm không xuể, chưa kể hàng trăm chiếc ôtô gia đình, trong đó hàng chục ôtô tiền tỷ.
Làng tỷ phú nhờ xuất ngoại
Xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) xưa vốn là một vùng đất nghèo khó, cuộc sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Tuy nhiên, Đô Thành thuộc vùng đất trũng, quanh năm ngập úng nên mất mùa nhiều hơn được.
Những năm cuối thập kỷ 1980, đầu 1990, người dân xã Đô Thành (Yên Thành) bắt đầu đi xuất khẩu lao động sang các nước Đức, Ba Lan, Anh, Australia… để tìm kiếm cơ hội làm ăn. Ban đầu toàn xã cũng chỉ có dăm người đi, về sau thấy làm ăn được họ về kéo anh em, họ hàng cùng xuất ngoại để kiếm ăn. Cứ thế, lượng người “đi Tây” ngày một tăng lên.
Diện mạo của xã Đô Thành (Yên Thành) hôm nay.
Sau một thời gian cật lực làm việc bên xứ người, các lao động tự hào đem số tiền mà mình đổ mồ hôi nước mắt làm được về trang trải cuộc sống cho gia đình, sắm sanh đồ dùng, xây dựng nhà cửa khang trang. Những ngôi nhà cao tầng bắt đầu mọc lên ngày một nhiều. Chỉ trong thời gian ngắn, Đô Thành thay da đổi thịt một cách nhanh chóng.
Những năm gần đây, thị trường Lào làm ăn dễ dàng nên một bộ phận lao động ở Đô Thành bắt đầu sang đây tìm kiếm cơ hội làm giàu, đặc biệt là thế hệ trẻ. Một khu làng Việt kiều Lào với những công ty, doanh nghiệp được dựng lên, trở thành một trong những xóm tỷ phú của xã Đô Thành.
Hiện xã Đô Thành có trên 300 tỉ phú, khoảng 2.000 ngôi nhà từ 2 – 4 tầng, rên trên 200 xe ôtô các loại. Giờ về Đô Thành, nếu nhìn biệt thự tiền tỷ, xe hơi hạng sang mà thốt lên ngạc nhiên thì quả là “xưa như trái đất”.
Làng tỷ phú nhờ cam
Vùng cam Quỳ Hợp hiện có gần 2.000 ha cam, trong đó, xã Minh Hợp là địa bàn có diện tích cam lớn nhất, chiếm đến hơn 50% tổng diện tích của toàn huyện với gần 1.100 ha.
Hiện nay với 3 giống cam chủ lực là Vân Du, Valencia và Xã Đoài, gần 1.300 hộ dân thuộc 21 thôn của xã Minh Hợp đã góp phần không nhỏ trong việc giữ gìn và phát huy thương hiệu Cam Vinh, đồng thời nâng cao thu nhập.
Được biết, diện tích trồng cam toàn xóm hiện lên đến gần 200 ha, sản lượng bình quân đạt từ 20 – 30 tấn/ha/năm.
Theo đó, trong tổng số 200 hộ gia đình toàn xóm thì có trên 80% số hộ đạt doanh thu 500 triệu đồng/năm, trong đó có trên 10 hộ đạt từ 2 – 4 tỷ đồng/năm.
Những người trồng cam ở Minh Hợp đã không ngừng học hỏi kỹ thuật canh tác, du nhập nhiều giống cam mới. Ngoài mục đích nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng thì việc kéo dài thời gian thu hoạch, rải vụ sẽ giúp công tác bảo quản tốt hơn, cam được giá.
Nếu trước đây, thời gian thu hoạch cam trên cây chỉ 40 – 50 ngày thì nay, mùa cam hầu như khép kín thời gian trong năm, hễ loại cam này sắp thu hoạch thì các loại cam, quýt khác đã phủ hoa trắng cành.
Giờ những vườn cam bạc tỷ tại Minh Hợp không còn xa lạ nữa, nông dân trồng cam xây nhà cao tầng, tậu xe sang cũng trở thành chuyện thường tình.
Cũng nhờ cây cam, việc huy động xây dựng NTM, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội rất thuận lợi. Có thể nói, làm nông nghiệp, tậu xe sang như nông dân Minh Hợp sẽ không có nhiều.
Đổi đời từ gói bánh chưng
Không ai nhớ rõ nghề bánh chưng ở làng Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, Yên Thành xuất hiện cụ thể vào thời gian nào. Nhưng theo lời các cụ ông, cụ bà trong làng kể lại thì từ cái thời chiến tranh một số nhỏ lẻ các bà, các chị trong làng hàng ngày có làm vài ba chục chiếc gồng gánh mang ra chợ bán…
Nay nhắc đến làng Vĩnh Hòa, rất nhiều người sẽ nhớ đến nơi đây chính là làng tỷ phú bánh chưng nổi tiếng ở xứ Nghệ.
Dịp Tết Nguyên đán, hộ làm nhiều gói hết vài ba tạ nếp mỗi ngày; ngày thường nhu cầu tiêu thụ ít hơn, nhưng cũng khoảng 30 – 40 kg nếp.
Hàng ngày, từ 4-5h chiều, cả làng nhà nhà tập trung gói bánh cho đến 8 giời tối là nhóm lò, nấu bánh; 1- 2h sáng vớt bánh, khoảng từ 4 – 5h cả làng thức giấc gọi nhau í ới đi bán, nhập bánh. Không khí trong làng lúc nào cũng vui như Tết.
Với người dân Vĩnh Hòa, bánh chưng đã trở thành món ăn quen thuộc. Trong nhà lúc nào cũng sẵn, hễ có khách đến chơi là thết đãi bánh chưng, nước chè xanh… và xung quanh câu chuyện, cuối cùng lại trở về với cái bánh chưng làng mình đã đi được tới những đâu, hay Tết năm nay làng mình sẽ gói được bao nhiêu bánh.
Hiện tại trong xóm có 300 hộ, hầu như hộ nào cũng làm nghề gói bánh chưng. Với truyền thống gói bánh chưng, bánh tét cả ngày lễ, Tết hay ngày thường, sau đó đem đi xuất khẩu trong và ngoài nước, người dân làng Vĩnh Hòa đã có cuộc sống ngày càng sung túc, nhiều con người làm ăn phương xa đã trở về tiếp nối truyền thống gói bánh chưng mà vươn lên giàu có, no đủ.
Từ bánh chưng, người dân nơi đây có thu nhập khoảng 10 triệu đồng/ ngày. Cũng có hộ gia đình thu về được trên dưới 40 triệu đồng/ ngày từ số bánh chưng, bánh tét bán trong dịp Tết.
Làng biển mỗi hộ thu 40 – 60 triệu đồng/tháng
Như chính cái tên của miền sông nước, xã Tiến Thủy (huyện Quỳnh Lưu) cũng được nhắc đến trong top những xã giàu có ở Nghệ An hiện nay.
Thời gian qua, để đáp ứng với điều kiện đánh bắt xa bờ, ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu đã mạnh dạn vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu thuyền, lắp đặt các thiết bị máy dò hiện đại để khai thác đạt hiệu quả.
Toàn xã hiện có trên 324 phương tiện tàu thuyền với tổng công suất 85.653 CV. Mỗi năm, địa phương cải hoán, đóng mới từ 10 – 15 phương tiện có công suất từ 900 CV – 1.100 CV.
Tính từ cuối năm 2016 đến nay, địa phương đã đầu tư đóng mới 25 phương tiện tàu thuyền, trong đó có 12 tàu đóng mới theo Nghị định 67 (có 4 tàu vỏ sắt, 8 tàu vỏ gỗ; tàu vỏ sắt trị giá 15 – 18 tỷ đồng/chiếc, tàu vỏ gỗ trị giá 7 – 9 tỷ đồng/chiếc).
Nghề đánh bắt hải sản phát triển còn thúc đẩy các nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt là mở mang các dịch vụ như: sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, các xưởng cơ khí, dịch vụ xăng dầu, nghề chế biến hàng hải sản, sản xuất đá lạnh bảo quản hải sản…
Với số lượng tàu thuyền lớn nhất huyện, thường xuyên giải quyết cho hơn 2.000 lao động địa phương. Chính vì vậy, nhiều hộ nơi đây đã thoát nghèo, vươn lên khá giàu; bình quân hộ có nghề đi biển thu nhập 40 – 60 triệu đồng/tháng.
Nhờ có địa hình thuận lợi gần biển, hiện nay, toàn bộ các con đường ở xã Tiến Thủy cũng đều được nâng cấp lên đường bê tông, các ngôi nhà to, biệt thự cũng được mọc lên cùng với thời gian, người dân thêm no đủ, giàu có hơn bằng nghề đi biển đánh bắt thủy hải sản.