Cơ chế cho Tp.HCM: “Đặc thù cũng phải có trần”

Như VnEconomy đã thông tin, Chính phủ đề xuất cho Tp.HCM được quyền tự quyết lớn hơn với ngân sách, thí điểm thuế tài sản và tăng thuế với nhiều sắc thuế khác, tự quyết mức lương cho nhân tài… bắt đầu thực hiện từ 1/1/2018 và được thực hiện trong 5 năm.

Phải làm rõ tác động

Ngày 14/11 các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về nội dung nói trên.

Với 19 tổ thảo luận thì báo chí khó có thể phản ánh hết ý kiến đại biểu, và các vị đại biểu cũng chỉ được trực tiếp nghe ý kiến của tổ mình.

Vì thế, báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tất cả các tổ có lẽ cũng là kênh tham khảo cần thiết trước khi Quốc hội thảo luận trong phiên toàn thể.

Hoàn thành ngày 18/11, báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM đã được Tổng thư ký gửi đến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, đa số ý kiến tán thành sự cần thiết cần có một cơ chế đặc thù để Tp.HCM phát triển hơn, đặt trong bối cảnh chung của cả nước.

Về quan điểm và nguyên tắc ban hành nghị quyết, qua tổng hợp ở 19 tổ thảo luận cho thấy đa số ý kiến đề nghị phải đảm bảo tuân thủ Hiến pháp và cam kết quốc tế, quy định của Đảng và Nhà nước.

Có ý kiến đề nghị không cần đảm bảo nguyên tắc theo Hiến pháp và pháp luật vì Bộ Chính trị đã có nghị quyết kết luận.

Phải hợp Hiến, đó là yêu cầu được “soi” rất kỹ mỗi khi một chính sách, dự thảo luật mới được trình ra Quốc hội.

Bên cạnh cơ chế đặc thù cho Tp.HCM thì tại kỳ họp này Quốc hội cũng bắt đầu xem xét dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và một nguyên tắc luôn được nhấn mạnh là cần cơ chế đặc biệt cho các đơn vị đặc biệt này, nhưng đặc biệt đến đâu thì cũng không được trái với Hiến pháp.

Khi thảo luận ở Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhấn mạnh yêu cầu quy định nào trái Hiến pháp là phải bỏ ngay .

Trở lại với cơ chế đặc thù cho Tp.HCM, tổng hợp ý kiến thảo luận tổ cho thấy có đại biểu băn khoăn, cơ chế này tạo điều kiện cho các tỉnh lớn, nhiều địa phương cần cơ chế đặc thù như Ninh Thuận, đời sống của nhân dân rất khó khăn và Quốc hội đã cho ‎ý kiến nhưng vẫn chưa ban hành được cơ chế đặc thù riêng.

Đại biểu cho rằng cân nhắc việc tạo ra cơ chế đặc thù nhưng không tạo ra sự khác biệt quá lớn so với các địa phương cả nước, nhất là đối với các địa phương lân cận.

Ý kiến khác đề nghị cần xem xét kỹ lưỡng việc ưu đãi cho Tp.HCM trong mối tương quan với Hà Nội và Trung ương, như vấn đề về lương cán bộ, công chức, quản lý nhà nước, liên vùng… Những quy định ưu đãi cho Tp.HCM cao hơn Thủ đô Hà Nội cần phải xem xét. Đại biểu đề nghị nếu đầu tư cho Tp.HCM thì cũng phải ưu tiên đầu tư cho Hà Nội.

Còn băn khoăn về sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và sự phát triển bền vững của Tp.HCM, một số vị đại biểu đề nghị xem xét bỏ cụm từ “thí điểm” bởi đã là cơ chế 5 năm thì không dùng từ thí điểm, vì chỉ thí điểm với nghĩa có thể nhân rộng ra đại phương khác hoặc chỉ thí điểm có thời hạn.

Có vị đại biểu đề nghị cân nhắc giao thẩm quyền cho Tp. HCM vì nghị quyết này cũng có phần gấp rút, chuẩn bị chưa thật sự kỹ lưỡng, chưa có sự thống nhất giữa các bộ, ngành được giao thẩm quyền.

Một số ý kiến cho rằng Chính phủ phải giải trình rõ về tác động và các mặt hạn chế của chính sách này, cụ thể hơn về đánh giá cơ chế chính sách, tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội, sự lan tỏa đối với những vùng lân cận, nguồn thu, sức hút về lao động, dự báo yếu tố văn hóa, giáo dục, môi trường…

Đặc thù cũng phải có trần

Về những nội dung cụ thể, trong quản lý đất đai, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, đa số ý kiến đề nghị thống nhất giao HĐND thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10 ha trở lên. Tuy nhiên cần quy định mức trần cụ thể hoặc quy định khung cấp từ 10 ha đến 100 ha, vượt quá phải xin Chính phủ, hoặc có khung giao Chính phủ quy định.

Trong quản lý đầu tư, giao thẩm quyền để HĐND phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án nhóm A cũng được đa số ý kiến đồng tình với lưu ý phải nằm trong quy hoạch tổng thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Liên quan đến thí điểm các chính sách thuế, phí, lệ phí thì phần lớn ý kiến thống nhất điều chỉnh thuế suất, các sắc thuế khác, mức phí, lệ phí. Song, cần quy định cụ thể mức trần tối đa bao nhiêu hoặc quy định tăng theo tỷ lệ phần trăm nhất định. Có ý kiến đề nghị ‎không nên có mức trần, không nên giới hạn các sắc thuế, mức thuế.

Đa số ý kiến nhất trí thuế tài sản tổ chức thí điểm sau đó mở rộng trên quy mô toàn quốc, trước mắt chỉ tập trung vào thuế tài sản đối với nhà, đất. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị nên hạn chế đánh thuế vào nhà đất. Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định chính sách thuế tài sản vì không phù hợp với Hiến pháp 2013, Tổng thư ký phản ánh.

Quan điểm của nhiều đại biểu cũng thống nhất với đề xuất giao HĐND thành phố thẩm quyền quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức thuộc thành phố quản lý và các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt của thành phố. Nhưng phải theo nguyên tắc: đảm bảo tiền lương, phụ cấp theo quy định, mức thu nhập tăng thêm phải có trần khống chế và cần có cơ chế giám sát.

Nhất trí cơ chế đặc thù cho Tp.HCM: Nhà, đất áp dụng trước?

Bài viết mới