Máy móc tự động sắp thay thế khoảng 85% lao động ngành dệt may

Sự thay đổi công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ diễn ra nhanh chóng, đặc biệt cuộc CMCN 4.0 sẽ tác động đến cấu trúc việc làm và ảnh hưởng đến nền kinh tế.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động thế giới ILO (tháng 7/2016) trong thập niên tới, máy móc tự động sẽ thay thế khoảng 85% lao động ngành dệt may, như vậy có thể sẽ có khoảng 85% lao động ngành Dệt may phải chuyển đổi hoặc thất nghiệp.

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay thế nhiều lao động thủ công.(Ảnh minh họa: Internet)

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ thay thế nhiều lao động thủ công.(Ảnh minh họa: Internet)

Trong khi đó, Việt Nam đã ký kết và gia nhập các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương thế hệ mới, bên cạnh những vận hội mới, còn đặt ra nhiều thách thức về việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, quan hệ lao động và yêu cầu chất lượng cao về kỹ năng, năng lực làm việc trong môi trường quốc tế.

Nhưng thực trạng hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam rất thấp. Báo cáo Năng suất lao động Việt Nam năm 2015, năng suất lao động của Việt Nam theo giá hiện hành đạt 3.660 USD, chỉ bằng 4,4% cua Singapore; 17,4% của Malaysia; 35,2% của Thái Lan; 48,5% của Phillippines và 48,8% của Indonesia.

Trước những thách thức đang đặt ra, việc phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ phải lấy tiêu chí chất lượng cao làm định hướng xuyên suốt. Tập trung phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất, dựa trên nhu cầu và đòi hỏi của ngành công nghiệp trọng điểm phát triển trong Chiến phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2035.

TS. Đinh Văn Châu, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho rằng, nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao ngoài việc có đầy đủ tiêu chuẩn về thể lực, phải nắm vững kiến thức về cơ sở và chuyên ngành cùng những kiến thức bổ trợ, có năng lực cải tiến, sáng tạo cũng như có đủ năng lực để học tập ở trình độ, kỹ năng cao hơn.

Trên cơ sở đó, Việt Nam sẽ đặt mục tiêu đưa năng suất lao động khu vực công nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 lên 2,4%/năm. Giai đoạn 2021-2025, tốc độ tăng năng suất lao động ngành khu vực công nghiệp ước khoảng 2,8%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động của nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao gấp 3 – 5 lần tốc độ tăng năng suất chung của khu vực công nghiệp.

Để làm được điều này, theo TS. Đinh Văn Châu, các nhóm sử dụng nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao cần phải xây dựng chương trình đào tạo nâng cao, chuyên biệt cho nhân lực làm việc trong các ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển.

Chính vì vậy, ngay thời điểm này, các trường cần triển khai thí điểm đào tạo nâng cao, bổ sung các chương trình nâng cao, chuyên biệt. Huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội nghề nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên tham gia phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất”, TS. Đinh Văn Châu chỉ rõ.

Đặc biệt, theo TS. Đinh Văn Châu, các nhóm sử dụng nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao nhất thiết phải thực hiện việc kết nối doanh nghiệp – nhà trường hiệu quả, thực chất thông qua chính sách ưu đãi về thuế, về đầu tư đối với doanh nghiệp, nhà máy công nghiệp và các cơ sở đào tạo.

Còn đối với cơ quan quản lý, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, theo TS. Đinh Văn Châu, các cơ quan cần chuẩn hóa và triển khai áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, ưu tiên các chuẩn của Nhật Bản trong đào tạo nhân lực kỹ thuật công nghệ trực tiếp sản xuất

Đồng thời, xây dựng Bộ tiêu chuẩn trình độ nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao phục vụ sản xuất, trên cơ sở khung năng lực trình độ quốc gia và bám sát khung năng lực trình độ nhân lực kỹ thuật công nghệ của các nước tiên tiến. Từ đó thống nhất trong nghiên cứu và dự báo quốc gia về nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao, phấn đấu hình thành thị trường lao động kỹ thuật công nghệ chất lượng cao trước năm 2025 cũng như mô hình kết hợp nhà trường – cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ chất lượng cao.

“Nguồn nhân lực đóng vai trò tối quan trọng trong phát triển bền vững, hưng thịnh của quốc gia. Với chính sách lấy công nghiệp làm động lực then chốt để phát triển đất nước, Việt Nam cần có những biện pháp mang tính tổng thể, hệ thống quy mô toàn quốc trong phát triển nhân lực kỹ thuật công nghệ trực tiếp sản xuất”, TS. Đinh Văn Châu lưu ý./.

Dệt may Việt Nam là thương nhân hay “người dắt lạc đà”?

Bài viết mới