Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 18/8 bàn về đề xuất tăng Thuế giá trị gia tăng VAT do Bộ Tài chính đưa ra. Đề xuất này nếu được thông qua thì từ năm 2019 sẽ tác động không nhỏ tới ngân sách, nền kinh tế và túi tiền của mỗi gia đình bởi đây là loại thuế phổ biến, đánh vào người tiêu dùng.
Có rất nhiều lý do chính đáng để tăng VAT từ 10% lên 12% song các chuyên gia cho rằng cần cân nhắc kỹ và đây chỉ là biện pháp cuối cùng khi không còn giải pháp nào nữa.
Lý do chính để Bộ Tài chính đề xuất tăng VAT là vì xu hướng thế giới đều tăng loại thuế đánh vào tiêu dùng này để bù cho việc thuế nhập khẩu giảm đáng kể khi các quốc gia tham gia các hiệp định tự do thương mại. Đồng thời, tăng VAT sẽ làm giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khách mời của chương trình, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng: “Xét về mặt lý thuyết, cơ sở lý luận để Bộ Tài chính đưa ra là hoàn toàn hợp lý bởi hiện nay, theo xu hướng hội nhập, tất cả thuế nhập khẩu đều giảm, đặc biệt ở ASEAN. Ví dụ từ năm 2018, thuế nhập khẩu ô tô giảm từ 30% xuống 0%. Rõ ràng phần thuế nhập khẩu giảm rất sâu nên sẽ có cơ cấu khác điều chỉnh ngân sách nhà nước. Theo thông lệ, các nước đang phát triển cơ cấu về thuế gián thu bao giờ cũng chiếm tỷ trọng cao so với thuế trực thu”.
“Nếu so với các nước Đông Âu hay EU thì Việt Nam đang ở mức thấp bởi của họ là từ 18-22%. Nhưng ở trong khu vực, ta lại ở mức trung bình thấp, bằng với Lào, Campuchia, Indonesia. Philippines là 15% còn Trung Quốc là 13 đến 17%, Singapore và Thái Lan lại là 7%” – bà Nguyễn Thị Cúc so sánh thuế VAT ở các quốc gia khác.
Bà Cúc cũng cho rằng: “Một số mặt hàng tăng từ 5 lên 10%, 12% là hợp lý như đường. Một số mặt hàng khác thì ta nên rà soát lại những quy định giữa thuế suất 5% và 10%”.