Chuyên gia góp ý phương pháp tính giá vé cho trạm BOT Cai Lậy

Ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng mức phí mà người điều khiển phương tiện giao thông phải trả khi đi qua trạm thu phí BOT đã và đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cách tính cách tính giá cước phí không phù hợp vì mới chỉ quan tâm đến chất lượng đường mới mà không quan tâm đến chất lượng đường trước đó (đối với dự án duy tu cải tạo) hoặc chất lượng đường cạnh tranh (đối với dự án đường mới song song).

Để hài hòa lợi ích giữa người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên tuyến đường và chủ đầu tư BOT, ông Nguyễn Minh Đức chỉ ra một cách tính khác. Theo đó, trước khi xây đường, dự án cần tính chi phí của một chiếc xe chạy trên đường cũ (bao gồm chi phí xăng xe, chi phí thời gian lái xe,…). Sau đó, tính toán chi phí khi xe chạy trên con đường mới được xây dựng. Nhà đầu tư sẽ nhận được 50% lợi ích thu được từ việc giảm tiêu hao nhiên liệu, thời gian của mỗi chủ phương tiện.

“Tính chi phí của một chiếc xe chạy trên đường cũ, gồm cả chi phí xăng xe, chi phí thời gian lái xe, thậm chí cả phí đường bộ của đường cũ. Sau đó người ta tính chi phí để chiếc xe đó chạy trên đường mới. Đương nhiên, xe chạy trên đường mới sẽ mất ít chi phí hơn, và nhà đầu tư sẽ được thu 50% của mức tiết kiệm đó.” – ông Nguyễn Minh Đức nêu rõ.

Một cách đơn giản có thể hiểu như sau:

Chi phí để đi từ A đến B trên đường cũ là 300.000 đồng. Chi phí để đi đường mới là 210.000 đồng. Chủ phương tiện được lợi 90.000 đồng. Số lợi ích này sẽ được chia đôi, lái xe giữ lại 45.000 đồng, nhà đầu tư được 45.000 đồng từ mức giá cước thu về.

Ông Nguyễn Minh Đức đánh giá rằng cách làm như trên sẽ bảo đảm “ai cũng được lợi, ai cũng vui vẻ”. Quan trọng hơn, nó khiến các chủ đầu tư sẽ phải tính toán kỹ lưỡng để lựa chọn xây những con đường sao cho lợi ích xã hội thu được là tối đa. Bởi vì chính chủ đầu tư cũng được hưởng lợi 50% từ con số đó.

Hiện nay, mức phí là một phần trong phương án tài chính của dự án BOT. Tại cuộc họp báo ngày 16/8, ông Lưu Văn Hào, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (chủ đầu tư dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đi qua thị xã và tuyến đường tránh Cai Lậy) cho biết phương án tài chính là cơ sở để doanh nghiệp quyết định tham gia đầu tư. Đây cũng là một căn cứ để ngân hàng cung cấp tới hơn 83% vốn cho dự án.

Theo ông Hào, doanh nghiệp và ngân hàng đã suy xét rất kỹ về mức phí, lưu lượng xe, vị trí đặt trạm,… để bảo đảm tính khả thi của dự án, tránh gây nợ xấu. Nếu mức phí mới được điều chỉnh không bảo đảm với phương án tài chinh ghi nhận trong hợp đồng, công ty có quyền được yêu cầu giải quyết. Ông Hào cho biết, hợp đồng dự án BOT Cai Lậy đã nêu rõ các phương án giải quyết như: bồi thường, mua lại,… và đưa ra tòa.

Vì sao mức phí qua BOT Cai Lậy cao hơn đường cao tốc?

Bài viết mới