Bộ trưởng Tài chính: Một hộp sữa đang phải chịu 2 giấy phép

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là người tư lệnh ngành đăng đàn giải trình đầu tiên tại nghị trường. Rất nhiều vấn đề nóng đã được đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cho biết: Qua các cuộc họp đối thoại giữa cơ quan Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp cho thấy công tác kiểm tra chuyên ngành đang là trở ngại lớn. Việc thời gian thông quan kéo dài khiến cho doanh nghiệp bị tăng chi phí. Do vậy, đại biểu chất vấn Bộ trưởng về giải pháp nâng cao hiệu quả việc kiểm tra chuyên ngành.

Trả lời, Bộ trưởng cho biết, ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính đã xây dựng đề án giao 13 Bộ, ngành xây dựng sửa đổi các văn bản pháp luật theo hướng giảm thiểu số lượng kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Theo đó đã có 66/87 văn bản liên quan đến vấn đề này được sửa đổi. Bên cạnh đó cũng có khoảng 200 danh mục hàng hoá thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, trong đó danh mục hàng hoá với hàng trăm mặt hàng, như danh mục thuốc thú y với hơn 400 mặt hàng…

Trong năm 2017 Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức áp mã hồ sơ theo danh mục hàng hoá theo chuyên ngành.

“28% thời gian thông quan là trách nhiệm Hải quan, còn lại 72% trách nhiệm của các Bộ, ngành”, Tư lệnh ngành Tài chính cho biết. Ông nhấn mạnh đây là nút thắt cần phải tháo gỡ nếu không việc giao lưu hàng hóa qua biên giới sẽ không có động lực.

Dù vậy, Bộ trưởng cũng nói thêm rằng hiện vẫn còn nhiều mặt hàng chịu nhiều hình thức quản lý trong thông quan. Có một mặt hàng thuộc quản lý nhiều Bộ, cần chỉnh sửa để tạo thuận lợi hơn.

“Hiện sữa chua hay sữa bột nhập khẩu phải kiểm dịch theo quy định của Bộ Nông nghiệp và kiểm tra theo quy định của Bộ Công thương. Nghĩa là một sản phẩm phải có 2 giấy phép”, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu ví dụ.

Theo ông, nguyên nhân một phần do không đáp ứng yêu cầu nhưng cũng yếu về quy chuẩn, tiêu chuẩn ở các Bộ, nên chồng chéo.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính phối hợp với 10 quản lý ngành thành lập 10 đội kiểm tra chuyên ngành tại các địa bàn trọng yếu để thông quan nhanh và có kế hoạch nâng cấp trung tâm kiểm định của Tổng cục Hải quan thành các Cục kiểm định kèm theo phòng thí nghiệm.

Ông Dũng cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất kiểm tra chuyên ngành theo hướng giảm thủ tục giấy tờ, quản lý theo rủi ro, hậu kiểm bởi hiện nay vẫn kiểm tra tiền kiểm lớn nên không đáp ứng được thời gian thông quan, chất lượng hàng hoá.

Bộ Tài chính cũng sẽ phối hợp với các ngành rà soát, thống nhất mã HS hàng hoá xuất nhập khẩu; triển khai cơ chế một cửa quốc gia ASEAN 2016 – 2020 và đồng bộ thông tin giữa các Bộ, ngành… Về phía hải quan, Bộ chỉ đạo hoàn thiện giai đoạn 2 dự án nâng cao thông quan tự động; tăng cường năng lực Cục kiểm định hải quan.

Cũng theo Bộ trưởng, từ nay đến cuối năm sẽ kịp tiến độ hoàn thành căn bản các kế hoạch cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành.

[TRỰC TIẾP]: Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn

Bài viết mới