8 dự án BOT cao tốc Bắc – Nam: Đấu thầu lần 1 không được sẽ có lần 2, lần 3

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã có phiên thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Tại phiên thảo luận nhiều đại biểu Quốc hội thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án , tuy nhiên đề nghị Chính phủ cần lựa chọn phù hợp hình thức đầu tư đối với từng dự án thành phần.

Cụ thể, đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, theo báo cáo dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc – Nam phía Đông có 8/11 dự án thành phần triển khai theo hình thức BOT.

Trong điều kiện Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa tiến hành giám sát và chỉ ra nhiều sai phạm trong hình thức hợp đồng này. Tuy nhiên, Nghị quyết giám sát mới ban hành nên chưa thể hoàn thiện ngay cơ chế chính sách vì vậy đại biểu đề nghị Chính phủ trình Quốc hội biện pháp khắc phục những sai sót mà Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ ra.

Đại biểu Hàm nhấn mạnh, các biện pháp đó cần phải đảm bảo rõ các tiêu chí để lựa chọn dự án BOT, tiêu chí đánh giá năng lực và lựa chọn nhà đầu tư. Đặc biệt, quy định BOT chỉ áp dụng với những tuyến đường mới nhằm đảm bảo quyền lựa chọn cho người dân. Đồng thời đấu thầu rộng dãi để lựa chọn nhà thầu, đại biểu nói.

Đại biểu Hàm cũng cho biết, 8 dự án thành phần triển khai theo hình thức hợp đồng BOT đều trộn lẫn ngân sách và phần thu phí trong chi phí xây dựng trong khi chưa đánh giá hợp lý khả năng thu phí hoàn vốn, cũng chưa có tiêu chí thể hiện ngân sách sẽ đầu tư phần nào, đoạn nào của dự án.

“Tính toán theo số liệu trong báo cáo của Chính phủ cho thấy nhiều dự án có thể thu hồi toàn bộ vốn trong thời gian rất nhiều so với vòng đời trung bình của một dự án BOT là 24 năm nhưng vẫn dự kiến bố trí ngân sách là không hợp lý”, đại biểu nhận xét.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá và xác định các dự án có thể thu phí toàn bộ để hoàn vốn làm cơ sở minh bạch giữa ngân sách và thu phí, theo đó các dự án khó thu phí thì đầu tư toàn bộ bằng trái phiếu.

“Còn các dự án BOT thì ngân sách chỉ hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng, lập thẩm định phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, công tác đấu thầu quyết toán, còn chi phí xây dựng dự án nhà đầu tư bỏ vốn toàn bộ sau đó tổ chức thu hồi vốn”, đại biểu Hàm nói.

Để triển khai nguyên tắc bố trí ngân sách như trên đại biểu cũng đề nghị trong mỗi dự án thành phần, Chính phủ phải đánh giá cụ thể chi phí lợi ích theo từng phương án, hoặc đầu tư công toàn bộ hoặc thu phí hoàn vốn toàn bộ để so sánh lựa chọn phương án tối ưu.

“Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, xác định hình thức đầu tư hợp lý cho từng dự án thành phần theo nguyên tắc không bố trí ngân sách cho chi xây dựng của dự án BOT. Đồng thời xác định số vốn cần bố trí hết cho đến năm 2020 để cân đối cho các dự án quan trọng của quốc gia giai đoạn 2016-2020 còn thiếu vốn”, đại biểu Hàm nói.

Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng cho biết ông đồng tình với việc phải phân chia dự án thành các dự án thành phần. Tuy nhiên đại biểu cho rằng việc phân chia các dự án thành phần cần được minh bạch và có căn cứ.

Theo đại biểu, Chính phủ cần làm rõ đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư đoạn từ Mai sơn đến Bãi Vọt tại sao không phân chia làm 2 hoặc 3 mà là 4 dự án thành phần; trong đó có những dự án quá ngắn, dưới 70km.

Thứ hai, đối với dự án đầu tư công, đoạn từ Cam Lộ đến La Sơn dài 102km tại sao lại không phân chia thành nhiều dự án thành phần. Đây là đoạn tuyến dùng vốn ngân sách để đầu tư, việc phân chia thành nhiều dự án sẽ giúp việc đầu tư càng nhanh chóng hoàn thành, nhanh chóng đưa vào sử dụng, tăng nhanh hiệu quả đầu tư công, đại biểu đặt vấn đề.

Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao.

Bên cạnh đó, 8 dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để phát huy ưu thế của việc đấu thầu đó là có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT.

“Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân; tìm kiếm và chọn lựa được nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín, đảm bảo khả năng về vốn để đảm bảo tiến trình và chất lượng của dự án”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

BOT Quốc lộ 3: Bộ GTVT, nhà đầu tư sốt ruột, địa phương “lừng khừng”

Bài viết mới