Quân đội làm kinh tế: Khuyến khích phát triển ở vùng biên giới để rèn quân

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) nhất trí cao việc phải sửa đổi Luật Quốc phòng và hoàn toàn ủng hộ việc quân đội làm kinh tế. Lấy dẫn chứng cho điều này, ĐB Trí chỉ ra ví dụ ở Viện Quân y 103: “Hiện tại bệnh viện đã xây mới toàn bộ, nghe đâu vốn hoàn toàn từ bộ đội làm kinh tế. Theo tôi nếu được như thế thì tốt, đỡ cho ngân sách nhà nước”.

Tuy nhiên, ông Trí cũng cho rằng vấn đề đất quốc phòng cũng cần xem lại, nếu cần dùng để đảm bảo an ninh quốc phòng thì ưu tiên còn không thì cũng nên cân nhắc tính toán kỹ theo đúng quy định. Trở lại câu chuyện sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, ông Trí cho rằng “phản cảm thật. Ai mời tôi vào đó đánh golf tôi cũng cảm thấy xấu hổ”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội)

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội)

Thống nhất việc cần tăng cường kết hợp kinh tế với quốc phòng nhưng góp ý vào điều 16 Luật Quốc phòng, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Đoàn Hà Nội) cho rằng điều 16 cần rõ ràng. Bởi nhiệm vụ chính của quốc phòng là bảo vệ tổ quốc chứ không phải nhiệm vụ chính của quốc phòng là làm kinh tế. Do đó, đề nghị trong điều 16 Luật Quốc phòng phải hết sức rõ việc quân đội làm kinh tế, kết hợp kinh tế với quân đội cần cụ thể rõ ràng.

“Chứ như trong điều 16, Bộ Quốc phòng gần như quản lý chủ trì hết các vấn đề. Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với các cơ quan lập kế hoạch, củng cố tăng cường quốc phòng với phát triển kinh tế. Tiếp theo các cơ quan khi tổ chức xây dựng, quy hoạch kế hoạch dự kiến phát triển kinh tế văn hóa xã hội của địa phương mình, ngành mình cũng phải kết hợp với quốc phòng, đặc biệt phải có sự tham gia thẩm định của bộ Quốc phòng về những nội dung có liên quan. Tiếp theo các cơ quan tổ chức cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh… đều phải kết hợp với Quốc phòng. Trong điều này cần phải nói rõ ra, không thì Quốc phòng sẽ bao trùm hết tất cả mọi vấn đề”- ông Hưng nói.

ĐB Hưng cũng hoan nghênh việc Bộ Quốc phòng trong thời gian tới đã giảm bớt những đơn vị quân đội làm kinh tế mà chỉ có những ngành nghề, lĩnh vực thực sự quân đội cần thiết thì mới làm. “Hiện nay có thực tế các đơn vị quân đội sử dụng nguồn lực của quân đội, nhân lực, vật lực rồi các ưu thế khác để làm kinh tế. Ví dụ như những ngành nghề xây dựng, kinh doanh… quốc phòng cũng tham gia. “Chắc chắn quân đội tham gia có những điều kiện tốt hơn nhưng tôi nghĩ phải rõ những lĩnh vực nào mà quân đội làm, còn những lĩnh vực nào quân đội thôi”- ông Hưng bày tỏ.

Đối với đất quốc phòng, ĐB Hưng cũng cho rằng cũng cần phải rõ ràng. Quốc phòng chủ yếu bảo vệ ở biên giới cho nên ông Hưng “khuyến khích các đơn vị quốc phòng làm kinh tế lâm nghiệp, nông nghiệp ở trên biên giới để rèn quân hàng ngày lao động chân tay cho mạnh khỏe để sẵn sàng chiến đấu. Còn những ngành nghề vui chơi giải trí, không phù hợp thì chúng ta không nên phát triển”.

“Rất mong muốn rõ ra, lĩnh vực hoạt động quốc phòng làm kinh tế, địa bàn quốc phòng làm kinh tế chứ không phải mọi cái cứ nói đất quốc phòng, quân đội làm kinh tế thì coi đó là vùng cấm không ai dám làm gì cả. Thực sự ra, cách đây hơn 10 năm khi bên du lịch chúng tôi làm ở Phú Quốc cũng nói đây là đất quốc phòng không cho phát triển du lịch, rồi đảo Cồn Cỏ cũng có thời gian nói là đất quốc phòng không cho du lịch làm.

Thường đất đẹp, vị trí đẹp đều là đất quốc phòng cả. Tôi rất mong muốn trong điều 16 phải quy định cụ thể minh bạch, rõ ràng trong vấn đề quân đội làm kinh tế như nào, đất nào quân đội làm kinh tế cần rõ ràng ra”- ĐB Hưng nói.

Doanh nghiệp quân đội làm kinh tế chỉ là “gen” bổ sung, “gen” trội là bảo vệ

Bài viết mới