Thảo luận tại tổ về cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển Tp.HCM sáng 14/11, nhiều đại biểu và ngay cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng không nhất trí với một số đề xuất trao quyền tăng thuế.
Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, nguyên tắc cơ bản nhất nghị quyết này cần tuân thủ là có thể “vượt” luật nhưng nhất định không được đứng trên Hiến pháp, không được trái với những cam kết quốc tế Việt Nam đã tham gia, không được làm ảnh hưởng tới cân đối và vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, làm “phạm” trần nợ công.
Theo phân tích của bà thì hiện Tp.HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất cả nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cũng lớn nhất, thu 100 đồng thì chỉ được để lại 18 đồng, còn 72% là điều tiết về ngân sách Trung ương.
Vừa qua, Tp.HCM phải chịu áp lực rất lớn với việc bị cắt giảm tỷ lệ ngân sách để lại, từ 23% xuống còn 18%, giảm liền 5%, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
“Theo dõi quá trình phát triển thành phố, nhất là về ngân sách thì tôi cho rằng với Tp.HCM mà tỷ lệ điều tiết, để lại dưới 20% thì không thể nào phát triển được. Vừa qua, dù tình hình nhìn chung vẫn đi lên, thành phố vẫn phát triển nhưng tốc độ đã chậm hơn. Mà vùng động lực, đầu tàu lại chậm thì tất cả những toa kéo theo cũng sẽ chậm đi, rất đáng lo ngại”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định quan điểm “đầu tư cho Tp.HCM cũng là đầu tư cho cả nước” thì mới mong thoát ra được khỏi những vướng mắc quàng chân.
Bà cũng nhắc lại câu chuyện về cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, nguồn lực nắm trong tay cần trao trước hết cho người giỏi, người biết làm ăn để người đó bứt lên, thành động lực giúp kéo những người khác theo, không chia nhỏ, chia đều để tất cả cũng nắm tay nhau tiếp tục… nghèo.
Về đề xuất cho Tp.HCM thực hiện thu thuế tài sản, vị lãnh đạo Quốc hội cho rằng dù đã được đề cập trong kế hoạch tài chính 3 năm nhưng Quốc hội lại chưa ban hành luật. Trong khi đó, Hiến pháp quy định, chỉ có Quốc hội mới được ban hành sắc thuế mới.
Bà cũng lo ngại, cho thí điểm về loại thuế này, có thể gây cú sốc trước hết với thị trường bất động sản, làm thị trường này lao dốc.
Việc trao quyền cho Tp.HCM được quyết định việc tăng mức thuế, theo Chủ tịch Quốc hội, với một số loại thuế thì có thể chấp nhận được, như thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt với hàng hoá xa xỉ…
“Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị cho Tp.HCM tăng mọi chính sách thuế, trừ thuế xuất nhập khẩu thì tôi không đồng ý. Cái đó làm mất đi sức cạnh tranh của thành phố”, Chủ tịch Quốc hội thể hiện rõ quan điểm.
Nghiêng về hướng ủng hộ những cơ chế giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, thu hút nhân lực, trả lương người tài…, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh là cần giao quyền điều hành linh hoạt, gỡ bỏ những cứng nhắc kiểu “đồng này mua mắm, đồng này mua tương, không ăn mắm thì cũng không thể chuyển sang mua tương được”.