Dành riêng một buổi để Quốc hội chất vấn Thủ tướng

Ba ngày cuối tuần này, từ 16-18/11, Quốc hội sẽ bắt đầu chất vấn một số thành viên Chính phủ và Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao.

Theo chương trình chi tiết, lần lượt đăng đàn sẽ là Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hoà Bình.

Chiều 18/11 – ngày thứ Bảy duy nhất Quốc hội làm việc tại hội trường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn trước đó.

Với ba vị đầu tiên, thời gian trả lời chất vấn đều vắt từ sáng qua chiều, từ chiều qua sáng hôm sau. Riêng Chánh án Nguyễn Hoà Bình và Thủ tướng được bố trí gọn trong buổi sáng và chiều cùng ngày 18/11.

Đây cũng là lần hiếm hoi người đứng đầu Chính phủ được bố trí riêng một buổi để lắng nghe và trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội.

Ở nhiệm kỳ trước và kỳ họp cuối năm 2016 (kỳ họp giữa năm Thủ tướng thường uỷ quyền cho một phó thủ tướng đăng đàn), Thủ tướng thường không được dành thời gian trọn buổi.

Nhưng, cũng không phải toàn bộ thời gian của buổi đó là hỏi – đáp giữa đại biểu và người đứng đầu Chính phủ. Ngoài 20 phút giải lao giữa giờ và 15 phút cuối dành cho Chủ tịch Quốc hội gói lại cả 3 ngày chất vấn, thì còn phải dành thời gian để Thủ tướng đọc một báo cáo chuẩn bị sẵn, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu quan tâm trong các phiên trước đó.

Vậy nên trong 145 phút dự kiến để đại biểu chất vấn và Thủ tướng trả lời thì cũng chỉ được khoảng 3/4 thời gian đối thoại trực tiếp. Và rất hiếm có lần nào tất cả các vị đăng ký chất vấn đều được nêu câu hỏi. Với những vị này, Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản.

Đây cũng là lý do khiến một số vị đại biểu đặt vấn đề rằng nghị viện nhiều nước chất vấn đến khi nào trả lời hết thì thôi, tại sao Quốc hội Việt Nam cứ đến 17h là dừng, trong khi đại biểu và cử tri muốn được nghe hết các câu trả lời của Thủ tướng?

Khác với các vị bộ trưởng, trưởng ngành, phiên chất vấn người đứng đầu Chính phủ không bị giới hạn bởi nhóm vấn đề.

Tại kỳ họp này, theo tổng hợp của đoàn thư ký, đại biểu Quốc hội đề xuất chất vấn Thủ tướng khá nhiều vấn đề: từ giải pháp khắc phục và hạn chế tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia…

Từ thoái vốn và hoạt động của các doanh nghiệp thua lỗ lớn, kéo dài, giải pháp khắc phục đến giải pháp cụ thể sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính, tinh giản biên chế, khắc phục tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, kém hiệu quả…

Chiều 16 và sáng 17/11, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng sẽ đăng đàn trả lời chất vấn

Bài viết mới