Phần lớn những ngành công nghiệp từng đặt nền móng cho thành công của kinh tế châu Á vào thập niên 1970 và 1980 nay đang đối diện với quá nhiều rủi ro tụt hậu, cũng giống như những gì đang diễn ra ở phương Tây.
Dù đó là ngành sản xuất phụ tùng ô tô, máy móc hay phương tiện giao thông, tất cả nhóm ngành này đều đang phải chứng kiến tình trạng lợi nhuận biên sụt giảm thê thảm bởi nhu cầu không tăng hoặc thậm chí giảm khi tiến bộ công nghệ ngày một vượt trội. Dù kinh tế châu Á vẫn đang tăng trưởng nhanh hơn so với kinh tế châu Âu hay Bắc Mỹ, sự tăng trưởng đó thực ra đang chủ yếu làm lợi cho những ngành mới.
Ở Trung Quốc, tập đoàn Alibaba và Tencent đã và đang tạo ra một cuộc cách mạng trong cách mua sắm và thanh toán của con người. Ngành vận tải toàn cầu cũng đang trải qua nhiều thay đổi đáng kể, người ta có thể nhìn thấy nó trong sự phát triển của Grab ở Malaysia, Ola ở Ấn Độ và Go-Jek ở Indonesia.
Cho đến tận thời điểm hiện tại, các công ty trong ngành sản xuất châu Á dường như vẫn miễn nhiễm với những cú sốc đã thay đổi ngành kinh doanh hàng tiêu dùng, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính và vận tải.
Thế nhưng tình trạng lợi nhuận sụt giảm trong ngành ô tô và sản xuất thiết bị công nghiệp cho thấy những ngành này sẽ bước vào thời kỳ khó khăn. Những công ty nào không dự báo được sớm và hành động kịp thời có lẽ sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Rủi ro đối với những người đang làm trong ngành không chỉ nằm ở sự tụt hậu của ngành mà còn ở việc họ gặp nhiều hạn chế trong tham vọng muốn đầu tư vào ngành mới. Thường thì khi kết quả kinh doanh xấu đi, giám đốc điều hành nhiều doanh nghiệp hay né tránh việc tìm hiểu tận gốc nguyên nhân của vấn đề.
Hiệu quả hoạt động ngày một thấp của các công ty vận tải thế giới đang cho thấy rõ điều đó. Dù tăng trưởng lợi nhuận thời kỳ khủng khoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 ở mức rất thấp, các công ty vẫn tiếp tục vay mượn đầu tư vào các con tàu mới, to hơn để tăng khối lượng vận chuyển hàng và giảm chi phí. Họ đã hy vọng đầu tư để đón đầu thời kỳ tăng trưởng bùng nổ của ngành vận tải hàng hóa, nhưng cuối cùng điều đó đã không bao giờ đến.
Doanh nghiệp ngày nay không nên chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình mà luôn phải nhìn nhận trước thay đổi của ngành và của thế giới và sẵn sàng đầu tư vào những ngành mới.
Một số doanh nghiệp lớn đã làm được điều này. Khi mà cạnh tranh ngày một tăng cao trong ngành viễn thông, Singapore Telecommunications đã giảm bớt phụ thuộc vào ngành viễn thông mà chuyển sang đầu tư nhiều hơn và dịch vụ đa phương tiện, từ an ninh mạng, quảng cáo số và marketing. Đồng thời, Sing Tel cũng đang đầu tư nhiều hơn vào việc kết nối các hệ sinh thái để khuyến khích hoạt động nghiên cứu phát triển.
Những công ty khai mỏ và sản xuất kim loại có thể đổi mới hoạt động sản xuất bằng cách phát triển thêm các vật liệu mới phục vụ cho phương tiện giao thông thân thiện với môi trường hoặc đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp tái chế rác thải kim loại. Kẻ chiến thắng sẽ là kẻ biết vượt lên trên những xu thế tiêu dùng thông thường để hiểu được nên đáp ứng cho khách hàng của mình như thế nào.
Ở Nhật, trong ngành dịch vụ, công ty bảo hiểm Dai-ichi Life cũng đã nhận ra rằng việc hỗ trợ cho khách hàng trong các hoạt động thường ngày là một phần quan trọng trong ngành dịch vụ thời đại mới.
Chính vì vậy, Dai-ichi Life cũng đã tạo ra một ứng dụng giúp cho phép mọi người, chứ không chỉ riêng khách hàng của Dai-ichi Life theo dõi sức khỏe của mình, dịch vụ này cho phép phân tích các kết quả y tế và ngay lập tức đánh giá thể trạng sức khỏe dựa trên đó. Ứng dụng đã nhận được phản hồi tốt từ phía khách hàng.
Nhiều công ty châu Á đối diện với rủi ro cạnh tranh từ những ngành mới có thể không nhận ra những mối hiểm họa thật sự với công việc kinh doanh của họ. Nhiều chủ doanh nghiệp có niềm tin sai lầm rằng khối tài sản mà họ đã có sẽ bảo vệ cho họ và rằng đối thủ cạnh tranh nếu muốn chạy đua sẽ cần đến thời gian để tích lũy khối tài sản tương tự mới có thể đủ khả năng chiến thắng.
Tuy nhiên trong bối cảnh mới đổi mới công nghệ là bí quyết của thành công. Những nhà điều hành cần phải hiểu rằng họ cũng cần phải đa dạng hóa công việc kinh doanh ra khỏi hoạt động cốt lõi. Đối với nhiều công ty, nó giống như một liều thuốc đắng “khó nuốt”.