Cố vấn kinh tế trưởng Soumya Kanti Gosh của ngân hàng lớn nhất Ấn Độ State Bank of India cho biết các nhà hoạch định chính sách nên có động thái nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa cũng như hạn chế đà tăng giá của đồng Rupee.
Việc thị trường tràn lan các mặt hàng giá rẻ Trung Quốc sẽ khiến rất nhiều doanh nghiệp Ấn Độ phá sản, tạo hệ quả tiêu cực cho nền kinh tế và thị trường lao động, qua đó tác động xấu đến chiến dịch “Made in India” của Thủ tướng Narendra Modi.
Mối nguy hiểm của hàng nhập khẩu Trung Quốc còn to lớn hơn khi mới đây Ấn Độ áp dụng hệ thống thuế mới GST cho nền kinh tế, qua đó ảnh hưởng đến hệ thống phân phối hàng hóa, kinh doanh sản xuất trên toàn quốc.
Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc (tỷ USD)
Sản lượng sản xuất của Ấn Độ trong tháng 6/2017 đã giảm lần đầu tiên trong vòng 4 năm qua và đây là một tin tức vô cùng xấu trong tình cảnh hàng hóa giá rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường.
Hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất với Ấn Độ. Các mặt hàng như thiết bị điện tử, máy móc và hóa chất được Ấn Độ nhập phần lớn từ đối tác này. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ với Trung Quốc đã tăng 9 lần trong 10 năm qua lên 49 tỷ USD vào năm 2016. Con số này đã tăng lên 51 tỷ USD trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2017.
Ngân hàng trung ương Ấn Độ không can thiệp vào tỷ giá hàng ngày của đồng Rupee nhưng nhiều nhà đầu tư trên thị trường tiền tệ cho biết chính phủ đã can thiệp nhằm hãm phanh đà tăng giá của đồng nội tệ.
Tỷ giá Rupee/Nhân dân tệ
Từ đầu năm đến nay, đồng Rupee đã tăng giá 6% so với đồng USD trong khi đồng Nhân dân tệ chỉ tăng giá 4% so với đồng bạc xanh. Nếu so sánh trực tiếp, đồng Nhân dân tệ đã giảm giá 2% so với đồng Rupee từ đầu năm đến nay sau khi đã giảm 4% vào năm 2016.
Với đà tăng của đồng nội tệ, ông Gosh nhận định giá hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ ngày một rẻ hơn và con số 61,3 tỷ USD nhập khẩu tính trong năm tài khóa đến tháng 3/2017 sẽ còn tăng mạnh trong tương lai, đe dọa đến ngành sản xuất và kinh tế Ấn Độ.