Nháo nhào tìm nơi giết mổ heo, thương lái khóc ròng

Đến nay sau vụ việc phát hiện heo bị tiêm thuốc an thần, lò mổ lớn nhất của TP.HCM là Xuyên Á vẫn chưa thể hoạt động trở lại khiến hàng ngàn con heo cung ứng cho nhu cầu của người tiêu dùng TP.HCM bị ách tắc, phải chạy đi các lò mổ thủ công nhỏ lẻ ở nhiều nơi khác.

Heo Đồng Nai phải chạy lên… Tây Ninh giết mổ

Nhiều thương lái khốn khổ tìm kiếm chỗ giết mổ, chi phí tăng, thậm chí phải lót tay để được các chủ lò mổ thủ công khác cho vào giết mổ. Chị Thủy, thương lái ở Đồng Nai, cho biết từ ngày lò Xuyên Á bị đình chỉ, thương lái từ Đồng Nai lên TP.HCM không có chỗ mổ, giá giết mổ tăng lên 120.000-150.000 đồng/con, trong khi trước đó chỉ khoảng 50.000 đồng/con.

Chị cho biết phải tốn thêm chi phí vận chuyển đi các tỉnh xa, thậm chí lên tận Tây Ninh để giết mổ, chưa kể thương lái phải góp vốn với chủ lò mổ để mở rộng tăng công suất thêm cho lò mổ. Tốn thêm đống chi phí.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết mỗi ngày có hơn 3.000 con heo của tỉnh này cung ứng cho TP.HCM nhưng bị ách tắc, phải chạy đi các nơi khác, có thể làm mất kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Theo ông Công, việc TP.HCM chưa có lò mổ công nghiệp, lại đóng lò mổ có quy mô lớn nhất TP khiến chi phí vận chuyển, giết mổ heo tăng cao nên các thương lái không thể tăng giá thu mua heo hơi từ trang trại.

“Chính nguyên nhân này đã kìm hãm sự phục hồi của giá heo, chưa kể khâu chăn nuôi heo từ công đoạn giết mổ để thịt heo đến tay người tiêu dùng không đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì các lò mổ thủ công năng lực yếu, nhỏ lẻ nên cơ quan chức năng cũng khó quản lý…” – ông Công nói.

TP.HCM cần có nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại đi vào hoạt động để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thịt heo đến tay người tiêu dùng, góp phần phục hồi ngành chăn nuôi.

TP.HCM cần có nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại đi vào hoạt động để đảm bảo vấn đề an toàn vệ sinh thịt heo đến tay người tiêu dùng, góp phần phục hồi ngành chăn nuôi.

TP.HCM cần nhà máy giết mổ công nghiệp

Trước thực trạng trên, mới đây, Sở NN&PTNT TP.HCM đã có Công văn số 2924/SNN-KHCN ban hành ngày 9-11-2017 gửi tới một số sở, ban, ngành như Sở TN&MT, Ban quản lý An toàn thực phẩm TP, UBND huyện Củ Chi lấy ý kiến về việc Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn xin được hoạt động dây chuyền giết mổ thủ công, với công suất giết mổ 2.000 con/ngày; cơ sở giết mổ Xuyên Á được hoạt động trở lại với công suất giết mổ 500 con/ngày.

Thế nhưng việc mở lại lò giết mổ theo kiểu thủ công lại gặp nhiều phản ứng của chủ đầu tư các nhà máy giết mổ tại TP.HCM. Vì theo các chủ đầu tư, điều này đi ngược với chủ trương của TP và có thể tiếp tục trì hoãn kế hoạch đưa các nhà máy giết mổ công nghiệp.

“Kế hoạch của TP.HCM, cuối năm nay sẽ có một số nhà máy đi vào hoạt động nhưng hầu hết đều chậm tiến độ do những vướng mắc về thủ tục đầu tư mà cơ quan nhà nước không tạo điều kiện cho chúng tôi. Giờ lại cho thêm một dây chuyền giết mổ thủ công. Làm sao chúng tôi có thể yên tâm tiếp tục đầu tư…” – ông Bạch Đăng Quang, Phó Giám đốc HTX Tân Hiệp, chủ đầu tư Nhà máy Tân Hiệp, bày tỏ lo lắng.

Đáng chú ý trước đó, đầu tháng 7-2017, UBND TP.HCM đã có công văn không đồng ý cho Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn thực hiện giết mổ thủ công tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Cụ thể, Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn là một trong sáu chủ đầu tư được cấp phép xây dựng nhà máy giết mổ công nghiệp hiện đại. Nhưng năm 2016, trong quá trình xây dựng nhà máy, doanh nghiệp này lại cố tình xây dựng trái phép hơn 10 chảo thủ công với ý định cho thương lái giết mổ trong quá trình đợi nhà máy hiện đại hoàn thiện.

Ngay khi phát hiện những chảo này được xây dựng, lực lượng chức năng đã xử phạt và không cho phép những chảo giết mổ sai phép này hoạt động. Nhiều lần chủ đầu tư này xin phép Sở NN&PTNT và UBND TP được phép hoạt động nhưng không được chấp thuận.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho biết sẽ dừng dự án nhà máy giết mổ công nghiệp 3.000 con/ngày tại huyện Củ Chi đang xây dựng, nếu có thêm cơ sở giết mổ thủ công mới ra đời.

Nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM nên kiểm soát các lò mổ thủ công hiện nay, không cho mở thêm các lò mổ mới để đáp ứng nhu cầu giết mổ, góp phần tạo phục hồi cho ngành chăn nuôi heo.

Đồng thời hỗ trợ tạo điều kiện kịp thời để các lò mổ quy mô công nghiệp đi vào hoạt động ngay trong năm 2018 để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn môi trường cho khâu thịt heo từ giết mổ đến bàn ăn của người tiêu dùng được đảm bảo.

TP HCM bất ngờ nhờ các tỉnh hỗ trợ giết mổ heo

Bài viết mới