15 giải pháp Thành phố thông minh của startup được trình bày để tìm kiếm nhà đầu tư ở Việt Nam

Ông Trần Vũ Nguyên, thành viên ban cố vấn chương trình chia sẻ rằng, ông rất hứng khởi khi lắng nghe các startup trình bày giải pháp của họ. Đây là 15 đội xuất sắc lọt vào vòng Thuyết trình, sau khi vượt qua hơn 200 hồ sơ đến từ khắp nơi trên toàn thế giới.

Trong danh sách các đội lọt vào vòng Thuyết trình, có 7 đội đến từ Singapore, 4 đội Việt Nam, và những đội tới từ Israel, Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sỹ. Các đội đã lần lượt thuyết trình trước cơ các quan chính quyền, đối tác tiềm năng, nhà đầu tư, ban cố vấn,… Những giải pháp được đưa ra nhằm giải quyết những vấn đề của đô thị, phù hợp với thực tế xây dựng thành phố thông minh ở mỗi địa phương.

“Mỗi thành phố có đặc thù rất riêng, đặc biệt là chiều sâu về văn hóa, vị trí địa lý,… nên sẽ không có một giải pháp nào có thể dùng cho tất cả các thành phố. Hy vọng thông qua những chương trình, chúng ta có thể tìm ra những công nghệ mới để xây dựng thành phố thông minh, làm tăng chất lượng cuộc sống, không gian sống cho cộng đồng.” – ông Nguyên chia sẻ.

Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ – KHCN) khẳng định, xây dựng thành phồ thông minh là chủ đề được nhiều địa phương quan tâm. Đã có những ý kiến về việc cần đặt ra tiêu chuẩn cho thành phố thông minh và điều kiện để được xây dựng thành phố thông minh. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có nhận thức chung về thành phố thông minh đươc chia sẻ rộng rãi.

Theo đó, thành phố thông minh là thuật ngữ xuất hiện trong thời đại công nghệ nhằm giải quyết tốt hơn những vấn đề cho người dân ở đô thị, lấy con người làm trung tâm, lấy doanh nghiệp làm động lực chính. Quản lý đô thị, rác thải, năng lượng, đào tạo, y tế,… tất cả những vấn đề của các thành phố sẽ được giải quyết qua mạng internet, sử dụng trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, hệ thống điện thoại di động.

“Với cách tiếp cận này, bất kỳ thành phố nào cũng có thể xây dựng thành phố thông minh để giải quyết các thách thức như: giao thông, y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp” – Phạm Hồng Quất nhận định.

Đại diện Bộ KHCN cho biết, những đội được chọn sau buổi Thuyết trình sẽ được tham gia Demo Day của TechFest (diễn ra ngày 14-15/11/2017). Nhiều cuộc thi khác cũng diễn ra đồng thời để tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo. Bởi vì, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các thách thức của xã hội.

“Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia – TechFest đã được tổ chức năm thứ ba liên tiếp. Khoảng 160 startup tốt sẽ được tham gia Demo day. Song song với Thành phố thông minh, còn có 6 cuộc thi nữa với các chủ đề khác nhau. Chúng tôi gọi đây là làng công nghệ về nhiều lĩnh vực: Nông nghiệp (Agritech), Y tế (Medtech), Đào tạo (Edtech), Du lich và văn hóa ẩm thực (Tourisism F&B village), làng xây dựng cộng đồng (Community dealer), công nghệ tài chính (Fintech)” – ông Phạm Hồng Quất cho biết.

Theo ông Phạm Hồng Quất, khoảng 150 nhà đầu tư nước ngoài sẽ tới tham dự sự kiện. TechFest sẽ có sự tham dự những doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME). Đây là những khách hàng tiềm năng của của các startup.

Vì sao còn nhiều khó khăn trong xây dựng thành phố thông minh?

Bài viết mới