Tổng diện tích đất có thể chuyển từ trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại Long An là 63,12ha, để thực hiện 26 dự án. Ngoài ra, Nghị quyết cũng thông qua danh mục các dự án cần thu hồi đất với diện tích 396,77ha, tổng ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng trong năm 2017 của tỉnh Long An.
Tìm hiểu thực tế, từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản Long An sôi động không kém so với Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM. Nguồn cung dự án ngày càng đa dạng, đa số các dự án có quy mô vừa và nhỏ khoảng 20 – 25ha có giá bán từ 4 – 5 triệu đồng/m2; riêng đối với những dự án khu đô thị, quy mô lớn thì giá bán dao động khoảng 7 – 8 triệu đồng/m2.
Cùng với đó, Long An đang trở thành điểm ngắm mới của các nhà đầu tư bất động sản khi lãnh đạo tỉnh đã đưa ra cam kết sẽ dành trên 5.000ha đất để thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Một dự án đất nền tại Long An
Tuy nhiên thị trường này cũng tiềm ẩn rủi ro với nhiều dự án chưa có pháp lý rõ ràng hay thậm chí là dự án “ảo”, đặc biệt tại các huyện giáp ranh TP HCM là Cần Giuộc, Đức Hòa và Bến Lức.
Một lãnh đạo UBND huyện Đức Hòa cho biết trên địa bàn có những người đầu cơ mua để bán lại kiếm tiền lời nhưng rồi không bán được nên tán gia bại sản, nợ nần. Hầu hết những người tìm mua đất đến từ TP.HCM, có nhiều người không phải mua vì có nhu cầu ở mà thực tế là đầu cơ mua để bán lại kiếm lời.
“Tình trạng “sốt” đất như thời gian gần đây rất dễ xảy ra những hệ lụy như tranh chấp, khiếu kiện đất đai, nợ nần và nhiều vấn đề phát sinh khác… Việc này cũng ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án trên địa bàn. UBND huyện đề nghị các xã khuyến cáo người dân cảnh giác”, vị này cho biết thêm.
Chủ tịch UBND xã Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) Nguyễn Văn Phước thông tin: “Để tránh hậu quả, hệ lụy của “sốt” đất ảo, chúng tôi khuyến cáo người dân cần nắm rõ những thông tin về quy hoạch và sử dụng đất đai, không mua, bán đất theo kiểu giấy tay. Thực tế, thời gian gần đây cũng có trường hợp mua, bán đất không xác minh kỹ, giấy tay, sau đó đến xã khóc lóc”.
Tương tự, một lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bến Lức cho biết trên thực tế, nhu cầu thực sự về đất ở của người dân trong huyện Bến Lức không cao đến mức dẫn đến cơn “sốt” đất hiện nay.
Theo đó, qua nắm bắt, người đến tìm mua chủ yếu từ TP.HCM; trong đó có nhiều người đầu cơ gom đất để chuyển nhượng lại kiếm lời. Từ thực trạng giá đất tăng chóng mặt như thời gian qua cũng khiến người dân bán đất và xin chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư.