Một “VPBank mới” sắp xuất hiện?

Thời gian gần đây, VPBank được xem là hiện tượng của ngành tài chính Việt Nam với những kỷ lục được ghi nhận về không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn ở câu chuyện thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Còn nhớ ông Tô Hải, Tổng giám đốc công ty chứng khoán Bản Việt đã nói rằng, riêng chuyện hút nhà đầu tư nước ngoài (với 1,2 tỷ USD đặt mua cổ phiếu VPB với giá rất cao) thì có lẽ nhiều năm sau này cũng khó có doanh nghiệp Việt nào vượt qua được kỷ lục mà VPBank đã xác lập.

Cũng có nhiều ý kiến của giới trong ngành đánh giá rằng, trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đặc biệt này sẽ khó có thêm cái tên nào tăng tốc tương tự như VPBank nữa, vì những gì mà Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng làm được đều “ngoài sức tưởng tượng”. Tuy nhiên nhận định ấy có lẽ sắp trở thành lạc hậu khi thị trường đang xuất hiện một “ngôi sao mới”, đó là HDBank.

Một “VPBank mới” sắp xuất hiện

Một VPBank mới mà người viết muốn đề cập không phải là ngân hàng có thể so sánh ngang VPBank, mà chính là ở khả năng bứt tốc tương tự. Hẳn nhiên rồi, VPBank giờ đã có vị thế khá vững vàng với kết quả kinh doanh vượt cả BIDV và chỉ chịu đứng sau Vietcombank, Vietinbank trong toàn bộ hệ thống.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank) chỉ là ngân hàng ở tốp trung với vốn điều lệ hơn 8.000 tỷ và tổng tài sản hơn 140 nghìn tỷ đồng, còn kém xa so với các “đàn anh” như MB, ACB, Sacombank, Techcombank, VPBank trong giới cổ phần tư nhân. Tuy nhiên trong 9 tháng đầu năm nay, ngân hàng này đã bất ngờ tăng tốc với lợi nhuận trước thuế gần 2.000 tỷ đồng, tăng gấp 3,8 lần cùng kỳ và vươn lên top 4 ngân hàng lãi tốt nhất.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg bên lề Hội nghị cấp cao APEC chiều ngày 11/11, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, phó chủ tịch thường trực HĐQT HDBank cho biết ngân hàng dự kiến lãi không dưới 2.400 tỷ đồng trong năm nay và vươn lên con số 3.900 tỷ trong năm 2018. HDBank cũng đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ tăng tổng tài sản bình quân trên 25% mỗi năm so với mức khoảng 180.000 tỷ đồng của năm 2017. Nếu con số này đạt được, HDBank chắc chắn là đối thủ đáng gờm của tất cả các ngân hàng trong nhóm cổ phần.

Chưa hết, ngân hàng còn lên kế hoạch bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại trong năm nay, thu về khoảng 300 triệu USD rồi niêm yết cổ phiếu trên HoSE vào đầu năm 2018. Và nếu kế hoạch này thành công chắc chắn cũng sẽ khiến cho các nhà băng khác phía sau tiếp tục “đứng ngồi không yên”.

Vì sao vậy? Bởi trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và nhiều ngân hàng còn phải trả giá vì đã không kiểm soát được chất lượng hoạt động cũng như quản trị lỏng lẻo trong quá khứ, thì việc một vài ngân hàng bứt phá với tốc độ chóng mặt hiện nay rõ ràng là hiện tượng của ngành.

Trước VPBank, nhiều người nghĩ sẽ đến lượt Techcombank có sự tăng trưởng thần tốc bởi những kế hoạch mà Ngân hàng Kỹ thương đề ra thời gian qua là hết sức đáng chú ý. Nhưng với những tín hiệu phát đi gần đây, HDBank đang chứng tỏ họ mới là điểm nhấn mà thị trường và nhà đầu tư cần lưu ý, họ mới chính là “điểm nóng” tiếp theo.

Vì sao HDBank lại tự tin đến vậy?

Quay ngược một chút về quá khứ, HDBank là ngân hàng khá trầm lặng và phát triển ổn định mang hơi hướng của cách quản trị mềm mại giống như phong cách của người đứng đầu là nữ giới (chủ tịch HĐQT và phó chủ tịch thường trực đều là nữ). Tuy nhiên những gì ngân hàng này làm được lại không hề đơn giản. Năm 2013, HDBank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống nhận sáp nhập tự nguyện một ngân hàng: DaiABank về HDBank. Rồi cũng năm đó, HDBank mua trọn vẹn một công ty tài chính nước ngoài – SVGF- thương vụ đầu tiên như vậy ở Việt Nam. Năm 2014, cũng là trường hợp đầu tiên, HDBank bán 49% vốn công ty tài chính cho đối tác nước ngoài, hình thành nên liên doanh mới HD Saison.

Kể từ sau khi thực hiện xong 3 thương vụ nói trên, hồi đầu năm nay còn có “tin đồn” HDBank đổ vốn vào mua cổ phần của Dong A Bank – ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt nhưng lại được đánh giá rất cao của giới trong ngành và họ tin nếu có được Dong A Bank thì HDBank sẽ “không hề đơn giản”. Tuy nhiên thông tin ấy đến nay vẫn chưa được kiểm chứng, người trong cuộc cũng từ chối trả lời. Song song với đó, ngân hàng vẫn hoạt động ổn định và có vẻ tập trung vào việc tìm hiểu, tìm kiếm thêm các cơ hội khác bên cạnh việc xây dựng hình ảnh đẹp cho ngân hàng.

Cho đến tận giữa năm ngoái, kết quả kinh doanh của HDBank vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy có sự đột phá đáng kể. Nhưng rồi cuối năm 2016, HDBank bất ngờ công bố lợi nhuận đạt cao nhất từ trước tới nay là gần 1.300 tỷ. Và qua 9 tháng đầu 2017, ngân hàng này tiếp tục bứt tốc với kết quả ấn tượng, lợi nhuận chỉ đứng sau VPBank, Techcombank và MB. Nếu so với năm 2013, lợi nhuận năm nay cao hơn cả chục lần.

Trong một dịp trao đổi với người viết gần đây, một lãnh đạo ngân hàng này “khoe” rằng, ngoài nền tảng kinh doanh cốt lõi vẫn được tập trung đẩy mạnh mang đến kết quả tốt thời gian qua, thì liên doanh công ty tài chính của HD với đối tác Nhật cũng là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân hàng. Không bùng phát, không thể hiện mình như đối thủ khác, mà liên doanh HD Saison, với sự trợ giúp về quản trị và tài chính từ Tập đoàn Saison, với những chuẩn bị kỹ lưỡng suốt hơn 2 năm qua, ngân hàng tin tưởng công ty tài chính không chỉ hoạt động an toàn mà còn mang lại hiệu quả cao, sẽ ghi dấu ấn đậm nét trong thời gian tới.

Ngoài ra, sự tự tin của HDBank có lẽ cũng đến từ hình ảnh của những người đứng đầu. Chủ tịch HĐQT của ngân hàng này hiện đồng thời là chủ tịch của Vinamilk – doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường hiện nay – bà Lê Thị Băng Tâm. Còn phó chủ tịch thường trực, người chủ thực sự của ngân hàng chính là phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Vietjet Air – hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam, đang chiếm non nửa thị phần hàng không nội địa. Bà Thảo là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất được Forbes công nhận, là 1 trong 3 tỷ phú giàu nhất ở Việt Nam hiện nay. Những gì Vinamilk và Vietjet Air đã và đang thể hiện cùng với hình ảnh của người đứng đầu có lẽ cũng sẽ giúp HDBank không thể “yếu thế” trên thị trường.

VPBank đang sống dựa quá nhiều vào Fe Credit?

Bài viết mới