Trung tâm Hội nghị Quốc tế Ariyana gần đây đã trở thành tâm điểm của cả thế giới với sự xuất hiện của hai nguyên thủ đến từ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tổng thống Donald Trump từ phi trường đã đến thẳng Trung tâm Hội nghị để bắt đầu bài phát biểu của mình. Sau những lời ca ngợi thành tựu của các nền kinh tế thành viên, Tổng thống Trump đã vào thẳng vấn đề: cốt lõi của mối quan hệ đối tác là công bằng, có đi có lại.
Tuy nhiên, Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ nhận định Mỹ đã mở cửa nền kinh tế, hạ thấp hàng rào thương mại thì “các nước lại không mở cửa thị trường cho chúng tôi”. Tổng thống Trump cũng lên án các nước đã không tuân thủ các nguyên tắc như quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo tiếp cận thị trường… Trong suy nghĩ của ông, Mỹ đã bị đối xử thiếu công bằng, không được lợi trong các cuộc chơi trên và khiến nước Mỹ, người dân Mỹ bị tổn thương.
Bài phát biểu của ông Trump cũng gọi việc thâm hụt thương mại với Trung Quốc là “không thể chấp nhận được”. Dù không chỉ trích Bắc Kinh nhưng Tổng thống Trump nói rằng đây là cơ hội để nhìn lại và cố gắng sửa sai.
Theo đó, Tổng thống Trump cho biết từ nay trở đi sẽ cạnh tranh công bằng, không để bị lợi dụng thêm ngày nào với phương châm “Nước Mỹ trên hết”. Mỹ sẵn sàng hợp tác với các nước để cùng có lợi. Ông Trump nhấn mạnh ký kết hiệp định song phương nhưng như ông cũng nói: “Điều chúng tôi sẽ không bao giờ làm là tham gia vào các hiệp định thương mại quy mô lớn nhằm “trói tay” chúng tôi, hy sinh chủ quyền của chúng tôi và khiến việc thực thi có ý nghĩa trở nên bất khả thi”.
Xuất hiện sau đó ở cùng vị trí, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lại thể hiện một quan điểm khác, ủng hộ toàn cầu hoá.
Ông Tập Cận Bình nói rằng toàn cầu hoá trong vài thập niên qua đã đóng góp cho tăng trưởng. Và toàn cầu hoá là xu hướng không thể đảo ngược.
“Chúng ta nên hướng tới sự toàn cầu hoá toàn diện, cân bằng hơn và mang lại lợi ích cho mọi người. Chúng ta phải tuân thủ chủ nghĩa đa phương”, ông Tập phát biểu.
Chủ tịch Trung Quốc cũng nhận định các nước phải đi cùng nhau để thúc đẩy đầu tư, phát triển tạo ra những sự tự do hoá rộng mở hơn, bao trùm hơn để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.
“Chúng ta phải ủng hộ thương mại đa phương, tự do thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương. Việc mở ra một khu vực FTA của châu Á – Thái Bình Dương là ước mơ lâu dài”, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết.
Quan điểm của hai nhà lãnh đạo trên trái ngược nhưng đầy thú vị, mỗi người đang khai thác toàn cầu hoá theo cách của mình, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt – Mỹ (BTA) bình luận.
Đối với quan điểm ủng hộ song phương, không ủng hộ đa phương của Tổng thống Donald Trump, ông Lương cho rằng nó không khả thi. Bởi lẽ, toàn cầu hoá là sự phát triển tất yếu, dù ông Trump làm gì đi nữa thì kinh tế Hoa Kỳ vẫn có sự kết nối sâu rộng với thế giới.
“Kinh tế hôm nay là dòng chảy lan đến khắp mọi ngóc ngách trên thế giới, ông Trump muốn chặn nó thì bằng cách nào? Điều đó rất khó, những biện pháp đưa ra chưa chắc đã làm được”, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định Việt Mỹ nhận xét.
Bên cạnh đó, các Tập đoàn kinh tế lớn của Mỹ về lâu về dài liệu họ có còn ủng hộ cho quan điểm của ông Trump hay không cũng là một vấn đề, theo ông Lương. Bởi lẽ, nếu đa phương có lợi hơn cho họ thì bản thân những doanh nghiệp này chắc chắn sẽ không ngồi yên để cơ hội kiếm tiền bị trôi mất.
Do vậy, ông Lương cho rằng quan điểm của ông chủ Nhà trắng trong ngắn hạn sẽ gây khó khăn cho thương mại đa phương nhưng về việc triển khai hay thay đổi trong tương lai vẫn là điểm phải xem xét và và đánh giá thêm.
Còn bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình theo ghi nhận của ông Nguyễn Đình Lương là đúng với xu thế khi ủng hộ toàn cầu hoá. Tuy nhiên, ông Lương cũng nhấn mạnh, mỗi quốc gia, đặc biệt là các quốc gia lớn có cách khai thác toàn cầu hoá khác nhau.
“Mỹ khai thác một cách, Trung Quốc lại một cách khác… Họ sẽ thực hiện mục tiêu toàn cầu hoá cho mình, theo cách của mình”, ông nói.