Ở trường, chúng ta được dạy phải trả lời đúng mọi câu hỏi theo đáp án chuẩn. Về nhà, chúng ta được dạy phải vâng lời, xây dựng tính cách tốt và tuân thủ các nghi thức xã hội. Đi làm, chúng ta phải tập quen với kỳ vọng của sếp là không bao giờ được mắc sai lầm.
Trong tất cả những trường hợp trên, chúng ta đều sẽ bị “trừng phạt” nếu mắc sai lầm. Giáo viên sẽ trừ điểm khi bạn đưa ra câu trả lời sai; cha mẹ sẽ cắt tiền ăn sáng khi bạn không vâng lời và sếp sẽ trừ lương nếu bạn mắc sai lầm.
Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngay từ khi còn là những đứa trẻ, con người đã cảnh giác với sai lầm. Chúng ta coi sai lầm như một thất bại ghê gớm và cố gắng đế sống suốt cuộc đời mà không mắc bất cư sai lầm nào. Tâm lý này lâu dần trở thành sự cưỡng ép và nhiều người không dám thừa nhận sai lầm của mình.
Tuy nhiên, mắc sai lầm cũng có những tác dụng tích cực mà chúng ta thường không mấy khi để ý đến. Khi cố gắng tránh sai lầm, bạn sẽ càng dễ dàng mắc nhiều sai lầm hơn. Vì thế, hãy tập nhìn sai lầm ở một khía cạnh khác, bạn sẽ nhận ra sự khác biệt.
Sai lầm không phải là những con quái vật được tạo ra, chúng chỉ là những thử thách giúp bạn thêm mạnh mẽ và phát triển nhanh hơn trên con đường đi đến thành công mà thôi.
Nếu bạn cố gắng tránh mắc sai lầm, bạn sẽ bỏ lỡ cơ hội trải nghiệm những điều khác biệt so với những gì mình đã lên kế hoạch hoặc dự tính. Hãy thử tưởng tượng bạn bị nhỡ một chuyến bay khi du lịch đến một nơi mới lạ, bạn sẽ phải ở lại một nơi hoàn toàn bất ngờ trong vòng 24 giờ.
Thay vì chán nản ngồi chờ đợi ở sân bay, sao bạn không đi khám phá cuộc sống thú vị xung quanh đó? Bạn sẽ gặp được những con người thân thiện đáng yêu, khám phá cảnh đẹp mê hồn và được thưởng thức những món ăn ngon ở một thành phố xa lạ mà bạn không hề có ý định ghé thăm.
Cuộc đời cũng giống như những chuyến bay. Sai lầm sẽ dẫn bạn đến những cuộc phiêu lưu và cơ hội mới lạ. Trên tất cả, sai lầm có thể giúp bạn hiểu được cách làm thế nào để đưa ra quyết định tốt hơn trong tương lai.
Sai lầm không cản bước thành công, né tránh sai lầm mới là thất bại thực sự
Những người không thành công thường dồn hết năng lượng và sự tập trung của họ vào né tránh sai lầm. Trong khi đó, những người thành công lại dồn năng lượng vào nỗ lực và cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu.
Jim Carrey trong buổi biển diễn ra mắt đầu tiên của mình tại một câu lạc bộ Yuk Yuk ở Toronto, từng bị khán giả la ó đuổi xuống sân khấu. Tuy nhiên, điều đó không thể khiến ông bỏ cuộc. Ông coi thất bại này như một bài học “xương máu” để luôn nhắc nhở bản thân biểu diễn tốt hơn. Tất nhiên, đấy cũng không phải thất bại duy nhất mà “vua hài” Jim Carrey từng trải qua.
Khi tham gia thử giọng cho chương trình Saturday Night Live 1980-81, ông đã bị đánh trượt. Không nản lòng hay mất đi niềm tin vào bản thân, ông tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho đến khi trở thành diễn viên chính cực kì thành công trong bộ phim “Ace Ventura: Pet Detective.” Năm 1994.
Một nhân vật khác cần kể đến là “huyền thoại” Michael Jordan. Profile cá nhân của anh được miêu tả trên website của NBA là “một trong những tay chơi bóng rổ tuyệt nhất mọi thời đại”. Và đây cũng là điều mọi người nhắc đến đầu tiên khi nghĩ về Michael Jordan. Thế nhưng, anh miêu tả bản thân như sau:
“Tôi đã ném trượt 9.000 lần trong suốt sự nghiệp của mình. Tôi thua trong 300 trận đấu. Tôi đã từng được tin tưởng sẽ giành chiến thắng nhưng cuối cùng lại thất bại trong 26 lần. Tôi cứ thất bại, thất bại và thất bại rất nhiều lần trong đời”.
Tuy nhiên, vận động viên huyền thoại này cũng nhấn mạnh rằng “Đó chính là lý do khiến tôi thành công như ngày hôm nay”.
Mỗi lần cố gắng sẽ có thể là một lần bạn phạm sai lầm. Nhưng sai lầm đồng nghĩa với phản hồi và bài học. Càng mắc sai lầm bạn sẽ càng có cơ hội để cải thiện bản thân.
Vì thế, nếu cứ cố gắng tránh thất bại, bạn sẽ không làm được gì và không bao giờ dám chấp nhận rủi ro. Nói cách khác, cố gắng tránh thất bại đồng nghĩa với việc bạn không bao giờ chạm tới thành công.
Sai lầm chỉ đơn giản là mis-take (thực hiện nhầm) mà thôi. Sai lầm không đồng nghĩa với thất bại. Vì thế, đừng tự “huyễn hoặc” bản thân bằng nỗi lo sợ thất bại và không dám mắc sai lầm. Hãy dũng cảm, kiên trì và sẵn sàng đối mặt với sai lầm, bạn sẽ đi đến thành công.