8 năm nữa mới có Long Thành, cách nào giảm tải Tân Sơn Nhất?
Mở đầu cuộc họp, người đứng đầu Bộ GTVT cho hay vấn đề mà ông quan tâm nhất hiện nay là việc thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch sân bay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
“Phải xác định xem sân bay Tân Sơn Nhất có nâng cấp, mở rộng được không? Nếu có thì đến mức nào, như thế nào, về phía Bắc hay phía Nam? Sớm nhất đến 2025 chúng ta mới xây xong sân bay Long Thành. Còn tới 8 năm nữa trong khi hiện tại sân bay đã rất quá tải, trong khi chờ đợi thì làm thế nào để phục vụ hành khách tốt nhất”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng quan tâm đặc biệt tới giao thông tiếp cận Tân Sơn Nhất. “Làm thế nào để giảm ách tắc, cần phân luồng hay đề xuất làm thêm trục đường nào?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Báo cáo Bộ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết năng lực khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất phục vụ khoảng 28 triệu khách năm trong khi đó, năm 2016, CHK này đã đón tới 32,19 triệu khách. Năm 2017, dự kiến con số này còn lên tới 35,6 triệu khách, dẫn đến tình trạng thường xuyên ùn tắc trên trời, trong khu bay, trong nhà ga, chất lượng dịch vụ không đảm bảo.
Hệ thống sân đỗ tàu bay chỉ đạt 52 vị trí đỗ so với khoảng 80 – 82 vị trí theo yêu cầu cũng gây nhiều khó khăn cho công tác lập kế hoạch khai thác sân đỗ, đặc biệt với vị trí đỗ tàu bay qua đêm.
Năm 2017, dự kiến lượng hành khách qua CHK quốc tế Tân Sơn Nhất vượt quá 8 triệu lượt khách so với thiết kế
Cũng theo ông Thắng, ngay trong năm 2017, hàng loạt giải pháp đã được triển khai đồng bộ để tăng năng lực cho Tân Sơn Nhất. Cụ thể là mở rộng sân đỗ máy bay khu 21ha đất quân sự bàn giao (dự kiến hoàn thành 5/2018); Mở rộng sân đỗ máy bay phía Bắc, đáp ứng thêm 8 vị trí đỗ; Mở rộng nhà ga quốc tế (đã hoàn thành và đưa vào khai thác giai đoạn 1 từ 1/1/2017); Tổ chức lại nhà ga, nâng cao năng lực điều hành; Xây dựng phương án đỗ linh hoạt để nâng năng lực sân đỗ. Cùng đó, phía TCT Quản lý bay VN cũng đã triển khai nhiều giải pháp trong đó có việc áp dụng công nghệ vệ tinh (RNAV1), đưa đường hàng không song song RNAV5 vào khai thác…
Về giao thông tiếp cận, ông Thắng cho biết Bộ GTVT đã làm việc với UBND Tp.HCM thống nhất triển khai đồng bộ một số dự án quy hoạch mở rộng đường giao thông khu vực quanh CHK quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông như dự án cầu vượt nút giao đường Trường Sơn – đường nối Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài; Dự án cầu thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn – Nguyễn Kiệm.
Trong giai đoạn 2018 – 2020, Cục Hàng không VN sẽ phối hợp với ACV nghiên cứu tối ưu hóa phương án lăn từ đường CHC vào đường lăn, sân đỗ; Nghiên cứu phương án ở rộng nhà ga quốc nội, cụ thể là phương án xây dựng cầu vượt trên không để khối khu vực nhà để xe với nhà ga và mở rộng nhà ga đồng bộ với nhà để xe hiện hữu; Xây nhà để xe cao tầng kết cấu thép trước nhà ga quốc tế; Cải tạo nâng cấp đường CHC 25R/07L…
Cơ quan này cũng sẽ phối hợp với TCT Quản lý bay VN đưa ra các giải pháp về tổ chức, tối ưu hóa vùng trời, áp dụng phương thức điều hành bay tiên tiến, quản lý luồng không lưu, đảm bảo khí tượng…
Riêng đối với việc thuê tư vấn nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ông Thắng cho biết hiện tại Cục đã hoàn thành ký hợp đồng tư vấn với Công ty ADP của Pháp.
Xây thêm đường độc đạo ra vào Tân Sơn Nhất?
Đồng ý về chủ trương sử dụng hạ tầng nhà để xe để kết nối vào nhà ga T1 để giảm tải cho nhà khách quốc nội Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng không VN, ACV nghiên cứu kỹ về thủ tục, cơ chế cũng như cách thức đấu thầu… đồng thời tìm những địa điểm tương tự để tiếp tục triển khai.
Bộ trưởng yêu cầu phải nghiên cứu tổ chức lại nhà ga hành khách T1, T2, ưu tiên không gian phục vụ hành khách.
“Việc kinh doanh dịch vụ phi hàng không bên trong sân bay cũng quan trọng nhưng đây không phải là mục đích chính, quan trọng là phải phục vụ hành khách, đảm bảo cho việc đi lại thuận tiện nhất”, Bộ trưởng chỉ đạo.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị liên quan nghiên cứu, chuẩn bị sẵn sàng phương án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T4, trong đó có phương án, mặt bằng, hồ sơ thiết kế, hồ sơ mời thầu… để khi có kết quả nghiên cứu quy hoạch của tư vấn ADP, nếu phù hợp có thể triển khai ngay.
Về giao thông đối ngoại – vấn đề hết sức khó khăn, Bộ trưởng yêu cầu lấy ý kiến tất cả các đơn vị có liên quan… để tìm được những giải pháp lưu thoát tốt nhất cho giao thông tiếp cận sân bay. “Có thể nghiên cứu đường trên cao ở đường Trường Sơn, hoặc đường từ sân bay đi Phạm Văn Đồng. Phải là đường độc đạo, chỉ phục vụ cho khách đi/đến sân bay” – Bộ trưởng gợi ý.
Liên quan đến việc thuê tư vấn nước ngoài theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh việc thuê tư vấn Pháp nhiều khả năng sẽ chậm so với tiến độ yêu cầu.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Hàng không VN xây dựng tiến độ cụ thể từ nay đến lúc Tư vấn hoàn thành toàn bộ nghiên cứu, giám sát chặt để đáp ứng mục tiêu đặt ra.
Xem link gốc ở đây