Nguyễn Kim muốn thâu tóm Dược Lâm Đồng

CTCP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Nguyễn Kim Group) vừa có nghị quyết HĐQT về việc chào mua công khai cổ phiếu của CTCP Dược Lâm Đồng (Ladophar – LDP). Theo đó, Nguyễn Kim Group sẽ mua vào cổ phiếu LDP để nâng tỷ lệ sở hữu từ 24% lên hơn 51% vốn điều lệ. Số lượng chào mua công khai dự kiến là 2,1 triệu cổ phiếu với giá chào mua tối đa 32.000 đồng.

Theo Nguyễn Kim, mục đích chào mua là tăng tỷ lệ sở hữu tại Dược Lâm Đồng từ 24% lên 51%, đồng thời chuyển từ công ty liên kết thành công ty con của Nguyễn Kim Group. Sau chào mua, Dược Lâm Đồng sẽ tiếp tục phát triển lĩnh vực kinh doanh chính là sản xuất nông dược, mua bán thuốc, dược liệu, thiết bị y tế, xuất nhập khẩu thuốc, dược liệu.

Tuy nhiên, cũng như thương vụ Nguyễn Kim mua Dược Lâm Đồng vào cuối năm 2014, khả năng việc chào mua cổ phiếu của Nguyễn Kim cũng sẽ được thực hiện thông qua giao dịch thỏa thuận, khi mà cổ phiếu LDP trên sàn chứng khoán hầu như không có giao dịch. Bình quân 3 tháng gần nhất, LDP chỉ giao dịch trung bình gần 5.000 cổ phiếu. Mức giá hiện tại ở ngưỡng hơn 30.500 đồng cũng được duy trì trong hơn nửa tháng gần đây.

Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim cùng Thương mại Nguyễn Kim là hai pháp nhân đều có liên quan tới ông Nguyễn Kim. Ông Kim hiện là chủ tịch của Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, doanh nghiệp có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng và đăng ký kinh doanh chính là lĩnh vực bất động sản. Trong khi đó, Thương mại Nguyễn Kim – doanh nghiệp do ông Kim là cổ đông sáng lập, hiện là đơn vị vận hành chuỗi siêu thị điện máy Nguyễn Kim.

Với quyết định mua lại một doanh nghiệp dược phẩm của Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim, có khả năng đây sẽ là mảnh ghép tiếp theo cho quá trình đầu tư vào lĩnh vực phân phối của Thương mại Nguyễn Kim.

Bên cạnh Dược Lâm Đồng, Nguyễn Kim cũng còn đầu tư vào Dược 3/2 (FT Pharma).

Thời gian gần đây, một số chuỗi điện máy đình đám như Thế giới Di động, FPT Retail hay Digiworld cũng quyết định tấn công vào thị trường dược phẩm và phân phối dược phẩm với tham vọng định hình lại thị trường.

Gần đây, Thế Giới Di Động – đơn vị đứng đầu thị phần phân phối điện máy và điện thoại di động cũng cho biết sẽ thâu tóm một chuỗi dược phẩm, bên cạnh thương vụ với Trần Anh vừa thực hiện. Đơn vị này hiện cũng đang trong quá trình tuyển dụng nhân sự trong lĩnh vực này nhằm triển khai trong thời gian tới, trong khi Digiworld đã triển khai việc bán một số sản phẩm chức năng.

Động thái này theo nhìn nhận từ một số chuyên gia đến từ việc các chuỗi điện máy giải quyết bài toán tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường phân phối điện máy và điện thoại di động dần đi tới giai đoạn bão hòa.

Theo số liệu từ Business Monitor International (BMI) trong báo cáo về ngành dược và chăm sóc sức khỏe Việt Nam, quy mô thị trường ước tính đạt doanh số 4,7 tỷ USD năm 2016, tăng trưởng 13% so với năm trước đó và sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 2 con số trong 5 năm tiếp theo. Trong đó, doanh số bán lẻ dược phẩm chiếm một phần ba về giá trị, tương đương 1,56 tỷ USD.

So với những đơn vị này, về mặt chuyên môn và kinh nghiệm trong thị trường, Thế giới Di động, FPT Retail, hay Digiworld gần như bắt đầu từ con số 0. Tuy nhiên, đây là những điều kiện có thể bù đắp được bằng những nhân sự có kinh nghiệm tuyển dụng mới. Thay vào đó, những đại gia điện máy này lại có trong tay khả năng phát triển và kinh nghiệm quản lý hệ thống với quy mô lớn.

Đây là điều kiện thuận lợi khi mà thị trường phân phối dược phẩm hiện được đánh giá vẫn còn rất sơ khai. Theo thống kê gần đây, quy mô thị trường nằm trong tay những hệ thống phân phối có thương hiệu chỉ chiếm chưa tới 5% thị phần toàn thị trường, phần còn lại chủ yếu nằm trong tay của nhóm nhà thuốc tư nhân.

Bài viết mới