Tuyến đường Vành đai 2 TPHCM được quy hoạch từ năm 2007 với tổng chiều dài 64,1 km nhưng đến nay vẫn còn 14 km chưa khép kín, bao gồm 8 km phía quận 9, quận Thủ Đức và 6 km phía quận 8 và huyện Bình Chánh. Riêng tuyến đường vành đai 3 dài 89 km hiện chưa làm được km nào.
Kẹt cơ chế
Vừa qua, làm việc với lãnh đạo TPHCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông thừa nhận hạ tầng giao thông tại cửa ngõ TPHCM kém xa so với TP Hà Nội. Việc chưa hoàn thành đường Vành đai 2, Vành đai 3 nên xe cộ muốn đi – về giữa miền Tây và miền Đông Nam bộ vẫn phải đi xuyên tâm TPHCM, làm áp lực giao thông trong nội đô TPHCM tăng cao, gây mất an toàn giao thông.
Việc sớm hoàn thành các tuyến đường vành đai nhằm giảm áp lực giao thông cho khu vực nội đô là mong mỏi của người dân và các cấp chính quyền TPHCM, đặc biệt là ngành giao thông. Tại kỳ họp thứ 5 mới đây, dự thảo nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế – văn hóa – xã hội 6 tháng cuối năm 2017 đặt mục tiêu hoàn thành đưa vào sử dụng toàn bộ tuyến đường vành đai 2 và 3 vào năm 2018. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường không đồng tình.
Ông Cường cho biết để khép kín tuyến đường Vành đai 2, TPHCM cần khoảng 15.000 tỷ đồng. Đây là số tiền không quá lớn. Trở ngại là trách nhiệm đầu tư lại thuộc Bộ GTVT và kinh phí đầu tư là trích từ ngân sách trung ương. “Chúng tôi sẽ tập trung cố gắng tối đa. TPHCM có trách nhiệm phối hợp với các bên liên quan nhưng đặt mục tiêu hoàn thành năm 2018 thì không thể thực hiện kịp”, ông Cường nói.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Kinh tế ngân sách HĐND TPHCM, đẩy nhanh tiến độ các tuyến đường vành đai là mong muốn chính đáng của người dân thành phố. Tuy nhiên, việc hoàn thành cũng cần thời gian nhiều hơn, bởi nguồn kinh phí từ trung ương nên TPHCM khó chủ động.
Vì lý do khó nói này, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết, trong đó đẩy thời hạn hoàn thành từ năm 2018 (theo dự thảo ban đầu) đến trước năm 2020 (theo nghị quyết chính thức) và giao UBND TPHCM kiên trì theo dõi, kiến nghị các cơ quan trung ương bố trí đủ vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương.
Nhiều năm trước, UBND TPHCM đã chuẩn bị 8 khu đất có tổng diện tích khoảng 224 ha nằm dọc theo tuyến đường Vành đai 2 thuộc quận 2, quận 9, Thủ Đức để khai thác tạo vốn đầu tư cho công trình này như khu đất 26 ha thuộc hai phường Bình Trưng Đông và Cát Lái (quận 2); khu đất 5,3 ha thuộc Bình Trưng Đông (quận 2); khu đất 21 ha thuộc phường Phú Hữu (quận 9)…
Có tiền không chi được
Tại hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM vừa diễn ra, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết năm 2016 mật độ đường ở chỉ đạt 1,98 km/km2 diện tích đất đô thị, dưới quy chuẩn 10 – 13,3 km/km2 (TP Hà Nội là 3,03 km đường/km2) nên kìm hãm sự phát triển. Năm 2017, TPHCM có 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông, ước thiệt hại khoảng 6 tỉ USD. Nếu đường giao thông được xây dựng với tốc độ như vừa qua (0,048 km/km2/năm) thì cần từ 167 – 230 năm nữa TPHCM mới đạt được quy chuẩn giao thông đô thị.
“Chúng ta không thể sống lâu mà đợi. Sau này bàn đổi mới thể chế thì phải tìm cách tìm vốn cho giao thông. Giao thông phải trở thành đột phá trong tất cả các đột phá. Giao thông mà không xong thì người đi không được, hàng đi không được và vốn sẽ không vào TPHCM, từ đó lòng dân ách tắc”, ông Nhân nhận xét.
Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng cần nâng lương gấp đôi cho cán bộ công chức tại thành phố. Trao đổi với Tiền Phong, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết thành phố đã báo cáo đề án nâng lương với Bộ Chính trị. Theo nghiên cứu của TPHCM, thành phố có trên 10 triệu dân và một lượng lớn khách vãng lai. Với đội ngũ công chức như hiện nay, khối lượng phục vụ cao gấp đôi so với mức bình quân chung của cả nước.
Cụ thể: TPHCM có 300 người dân/công chức, trong khi tỷ lệ bình quân chung cả nước là 187 người/công chức. “Tính chất lao động không chỉ dừng lại ở số lượng mà còn là nhịp độ phục vụ. Công nghiệp phục vụ của TPHCM rất lớn, đơn cử như làm sổ đỏ, ở các tỉnh làm xong có thể 10- 15 năm sau mới làm lại. Đối với TPHCM, sổ đỏ ngày hôm trước ký, hôm sau đã sang nhượng cho người khác và tiếp tục ký nữa, nhịp độ rất nhanh. Khối lượng phục vụ nhiều, đối tượng phục vụ đông, tính chất công việc phức tạp”, ông Hoan nói.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM giãi bày: TPHCM chỉ kiến nghị Trung ương cho cơ chế để chăm lo tốt đời sống cán bộ chứ không cần tiền vì cơ chế sẽ tạo ra nguồn lực để thành phố xoay xở. Hiện nay, nguồn lực thành phố đã có nhưng không chi được. “Đơn cử như chăm lo cho lực lượng vũ trang, công an, Bộ Tư lệnh TPHCM muốn chăm lo thêm cũng phải xin phép. Mình có tiền, muốn cho anh em mà không cho được bởi đó là hệ thống dọc, phải đi xin Trung ương. Nếu anh thuận, tôi mới được bố trí thêm. Nó thật, mỗi lần thưởng cho các cơ quan là cực kỳ khó. Nếu có cơ chế mềm, thành phố sẽ lo hẳn. Cơ chế như hiện nay anh em rất thiệt thòi”, ông Hoan nói.
Nhận xét về cơ chế tài chính đặc thù của TPHCM theo Nghị định 48 của Chính phủ, ông Hoan nhận xét có nhiều điểm “cho” nhưng cũng nhiều điểm “ràng lại”, không cởi mở như trước. Vì vậy, TPHCM sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương thêm cơ chế đặc thù để đẩy mạnh phát triển trong các lĩnh vực tài chính, đất đai, kế hoạch đầu tư, xuất nhập khẩu.
Một trong những cơ chế rất đặc biệt TPHCM đang kiến nghị là xin được phụ thu một số ngành, lĩnh vực kinh doanh; được xây dựng, quản lý, thu một số loại phí phát sinh trong đô thị chưa được nêu trong Luật phí và lệ phí. TPHCM cũng kiến nghị Trung ương được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất để bán đấu giá, nhằm bổ sung nguồn ngân sách.
Ông nghị làm thơ vì… bức xúc quá
Trong kỳ họp vừa qua, một đại biểu HĐND TPHCM (đề nghị không nêu tên) “họa” 6 câu thơ: Đầu tàu mà phải thắt lưng/Giống xe đang chạy bỗng dưng hết dầu/Luôn nộp ngân sách hàng đầu/Ba trăm ngàn tỷ đứng đầu nước ta/Vậy mà mỗi lúc chi ra/Đầu tàu vướng luật thật là khó khăn…