Sửa đổi bổ sung Luật Các TCTD là cần thiết

Sáng ngày 17/8/2017, tại Đà Nẵng, Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với NHNN Việt Nam tổ chức hội thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Tham dự hội thảo có các đại biểu đến từ Đoàn đại biểu Quốc hội của các tỉnh, thành khu vực miền Trung; ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh đồng chủ trì. Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh vào ngày 18/8 và tại Hà Nội vào ngày 22/8. Nhiều đại biểu đã tham gia thảo luận sôi nổi và nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật Các TCTD.

Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh đồng chủ trì hội thảo

Ông Dương Quốc Anh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội và Phó thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Kim Anh đồng chủ trì hội thảo

Theo ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN, sau 4 năm triển khai thực hiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 1/3/2012, đến nay về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống TCTD đã đạt được kết quả nhất định. Các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được đảm bảo an toàn.

Cùng với đó, hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD giảm được khoảng 22 tổ chức. Việc sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông, nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản. Các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu; đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tính đến 31/12/2015, các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu; đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%…

Song ông Sơn cho rằng, trong quá trình triển khai việc cơ cấu lại hệ thống các TCTD cho thấy vẫn còn tồn tại, hạn chế như hiệu quả kinh doanh chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn dẫn đến tình hình tài chính của TCTD gặp khó khăn, thậm chí có TCTD kết quả kinh doanh thua lỗ.

Tuy tỷ lệ nợ xấu nội bảng được kiểm soát ở dưới 3%, nhưng nợ xấu có xu hướng tăng trở lại về quy mô. Tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu đã bán cho VAMC chưa xử lý được và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu khoảng 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế. Nguyên nhân được xác định là do khâu xử lý TSBĐ và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn, vướng mắc chưa được giải quyết…

Cùng đó, trong giai đoạn qua, NHNN đã đặt một số TCTD vào diện kiểm soát đặc biệt, mua lại bắt buộc một số NHTM yếu kém để bảo đảm an toàn của hệ thống TCTD. Nhưng do khuôn khổ pháp lý của việc xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện và còn nhiều bất cập nên việc phục hồi và củng cố hoạt động của các TCTD yếu kém còn gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn rủi ro, nếu không kịp thời xây dựng cơ chế, khuôn khổ pháp lý để triển khai thực hiện việc hỗ trợ.

Thực tế trong quá trình tổng kết đánh giá Đề án 254/QĐ-TTg cho thấy, các TCTD lâm vào tình trạng yếu kém do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan như năng lực quản trị và kiểm soát rủi ro của các TCTD còn nhiều bất cập so với quy mô, tốc độ tăng trưởng và yêu cầu về quản trị rủi ro trong hoạt động; tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông, chi phối đã từng bước kiểm soát… Mặc dù vậy, nhưng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, chưa xử lý triệt để…

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD là cơ chế, chính sách về xử lý TCTD yếu kém còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề mới, phức tạp phát sinh trong quá trình xử lý TCTD yếu kém mà pháp luật chưa có quy định hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời. Như: quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém; việc phục hồi và cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có biện pháp hỗ trợ phù hợp với thực trạng của TCTD yếu kém; pháp luật hiện hành chưa có các quy định về các biện pháp phục hồi, củng cố tổ chức và hoạt động phù hợp với đặc thù của TCTD yếu kém… Do đó, cần kịp thời hoàn thiện thể chế để áp dụng vào thực tiễn.

Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề mới phát sinh

Cần sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để giải quyết các vấn đề mới phát sinh

Tại hội thảo, ông Dương Quốc Anh đã gợi ý một số nội dung để các đại biểu tham dự thảo luận như thị trường có nhiều bất ổn, nên cần phải sửa đổi luật như thế nào cho phù hợp với thực tế phát triển; hay như vấn đề tái cơ cấu các TCTD yếu kém, vấn đề sở hữu chéo; xử lý TCTD yếu kém; các phương án cơ cấu lại, phương án phục hồi…

Nhiều đại biểu Quốc hội tham gia hội thảo đã đồng tình với việc tiến hành hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD. Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Thành viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, Luật sửa đổi lần này cần nghiên cứu kỹ và thảo luận sâu, nhằm đưa vào luật những quy định sát với thực tiễn, cụ thể hóa các phạm trù một cách rõ ràng để dễ áp dụng, tập trung vào các đối tượng cụ thể…

Đồng quan điểm này, Đại biểu Phùng Văn Hùng, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, đối với trường hợp đặt TCTD vào kiểm soát đặc biệt cần cụ thể hóa các thành phần tham gia vào Ban kiểm soát đặc biệt gồm những ai, cơ quan nào, cần quy định rõ ràng và đưa vào luật.

Như vậy, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý xử lý TCTD yếu kém theo hình thức ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Các TCTD là rất cần thiết. Qua đó, thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và cần thực hiện ngay để thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, cũng như đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn.

Triển khai thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng

Bài viết mới