Nếu muốn nuôi dạy con tốt, hãy tham khảo 7 gợi ý sau đây của các nhà nghiên cứu Harvard

Ai cũng muốn con mình là một đứa trẻ hiểu biết, chu đáo, lịch thiệp và tốt bụng. Nhưng trẻ không thể tự làm việc đó mà cần tới sự trợ giúp và hướng dẫn từ người lớn.

Theo các nhà nghiên cứu về phát triển con người ở Harvard, có một số gợi ý mà cha mẹ có thể tham khảo để thành công trong việc nuôi dạy con :

1. Thường xuyên dành thời gian cho con và cùng con tạo nên những cuộc chuyện trò ý nghĩa

Làm như vậy, trẻ sẽ học được cách để bày tỏ tình yêu thương, sự quan tâm đối với người khác. Qua đó, bạn đã “bí mật” dạy con những bài học quan trọng qua việc thể hiện cảm xúc, theo đuổi niềm đam mê thực sự trong đời, khích lệ nỗ lực và khen ngợi thành tựu mà trẻ đạt được, đặt những câu hỏi mở để đào sâu thêm nội dung câu chuyện, hỗ trợ con không ngừng nghỉ.

Một mối quan hệ tích cực, có sự tôn trọng lẫn nhau giữa bạn và con cái sẽ cho trẻ thấy mối quan hệ tốt là như thế nào, từ đó, trẻ sẽ học tập để phát triển những quan hệ tương tự với người khác.

2. Hãy là tấm gương sáng và là người cố vấn tin cậy của trẻ

Trẻ sẽ tôn trọng điều bạn nói khi chứng kiến bạn đã có hành động tương tự. Do đó, hãy thật chú ý vào cách thực hành những giá trị mà bạn luôn thúc giục con cái noi theo – sự trung thực, đức khiêm tốn, những đóng góp cho cộng đồng, bởi hành động có ý nghĩa hơn ngàn lời nói. Hãy thừa nhận với trẻ khi bạn phạm sai lầm và trò chuyện với trẻ về cách bạn sẽ sửa chữa lỗi lầm như thế nào.

Hãy khuyến khích cả gia đình tham gia các hoạt động vì lợi ích cộng đồng. Hãy để trẻ biết tầm quan trọng của việc tìm tới những người bạn tin cậy khi cần lời khuyên hay trợ giúp và khích lệ trẻ luôn quan tâm mọi người xung quanh.

3. Gửi đi những thông điệp rõ ràng và luôn ưu tiên sự tử tế

Quan tâm tới người khác thường được khuyến khích là một trong những ưu tiên hàng đầu. Do đó, hãy thể hiện điều này theo cách đặt ra những kỳ vọng cao về mặt đạo đức dành cho trẻ ở ngay trong gia đình, trường học và cộng đồng.

Hãy hỏi giáo viên xem con bạn có biết cách quan tâm tới người khác lúc ở trường không. Nói với trẻ rằng, quan trọng là trẻ tốt bụng và tử tế với mọi người, đồng thời khích lệ trẻ tìm cách giải quyết vấn đề, xử lý mâu thuẫn bằng cách nghĩ đến những người sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi hành vi của trẻ.

4. Giao nhiệm vụ chính là tạo cơ hội để trẻ học cách quan tâm

Khi được giao làm việc nhà , giúp đỡ người khác sẽ là dịp tự nhiên để trẻ thực hành sự quan tâm tới mọi người, trước hết là những thành viên trong gia đình. Hãy trò chuyện với trẻ về những gì đang diễn ra trong cộng đồng, trên khắp thế giới, nhằm mở rộng hiểu biết về hành vi quan tâm, chăm sóc người khác lên một cấp độ cao hơn.

Ngoài ra, hãy thể hiện sự cảm kích và trân trọng dành cho trẻ, khích lệ trẻ gửi lời cảm ơn tới những người khác như một thói quen trong cuộc sống thường ngày.

5. Giúp trẻ nhìn rộng ra để hiểu các mức độ của gian khó và trải nghiệm mà người khác đang phải đối mặt

Về cơ bản, trẻ chỉ quan tâm tới một nhóm nhỏ gồm bạn bè và người thân. Nhưng để mở rộng giới hạn ấy, bố mẹ nên cố gắng trò chuyện với con về những cộng đồng người, những thử thách khác mà mọi người phải đương đầu. Thảo luận về các tình huống rồi chia sẻ với trẻ những ý tưởng để xử lý các vấn đề mà trẻ bắt gặp ngay tại nơi mình sinh sống. Khích lệ trẻ lắng nghe người khác, đặc biệt là những người khác quan điểm, tính cách để củng cố sự thấu hiểu và lòng trắc ẩn.

6. Tạo cơ hội để trẻ hành động, tham gia các hoạt động vì người khác

Khi con bạn phải đối mặt với một rắc rối nào đó, hãy giúp trẻ nói ra vấn đề của mình và bắt tay hành động. Khuyến khích trẻ hợp tác với người khác để giải quyết vấn đề. Cố gắng biến sở thích của con thành việc chính nghĩa mà trẻ nên làm.

Ví dụ, nếu trẻ thích động vật, bạn có thể tạo điều kiện để con làm tình nguyện viên ở một trung tâm chăm sóc thú hoang. Đừng quên cho trẻ cơ hội để thổ lộ về những vấn đề nan giải liên quan tới đạo đức nảy sinh trong đời sống thực và trên các phương tiện truyền thông.

7. Giúp trẻ nhận diện cảm xúc và giải quyết mâu thuẫn với khả năng tự kiểm soát

Động viên trẻ nhận biết các cảm xúc của mình, cho trẻ công cụ để kiểm soát cảm xúc như hít thở sâu, đếm cho tới khi nào trẻ bình tĩnh trở lại. Bạn cũng thường xuyên nhắc nhở, giúp đỡ trẻ xử lý mâu thuẫn bằng cách lắng nghe, thấu hiểu cảm xúc mà người khác đang trải qua.

Nguồn: Popsugar

Trừng phạt có lý do và nguyên tắc 3 ‘Không’ để dạy con thành tài của người Do Thái

Bài viết mới