Ngày 7-11, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì hội thảo trao đổi về công tác quản lý dự án BT (xây dựng – chuyển giao), thực trạng và giải pháp. Nhìn nhận các dự án BT nếu thực hiện đúng sẽ là một phương thức hiệu quả thu hút vốn đầu tư tư nhân nhưng các đại biểu cũng chỉ ra hình thức này rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai, minh bạch.
“Lợi ích kép” cho nhà đầu tư
TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Chương trình MPP – Đại học Fulbright Việt Nam, khẳng định cho đến nay, khai thác giá trị từ đất vẫn là phương án tối ưu, quan trọng nhất để tạo nguồn lực cho phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là phương án mang nhiều rủi ro.
Theo ông Du, thời gian qua, các dự án BT thường làm theo cách đổi đất lấy hạ tầng. “Như vậy là chủ đầu tư có 2 lần lợi thế. Lần một là tính giá trị dự toán của công trình, lần hai là việc định giá BT thời gian qua thường theo phương thức chỉ định thầu chứ không phải đấu thầu” – ông Du phân tích.
Đường Phạm Văn Đồng được đầu tư theo hình thức BT khi đưa vào sử dụng đã góp phần giải quyết bài toán ùn tắc cho TP HCM Ảnh: THÀNH ĐỒNG
Ông Du đánh giá mô hình PPP của TP HCM trong 3 thập niên qua gặp rất nhiều trục trặc và chưa gặt hái được thành công. Dẫn chứng, ông Du ví dụ về dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Năm 2009, TP HCM quyết định bỏ ra trên 20.000 tỉ đồng cho công tác đền bù nhưng đến nay, tiến độ và hiệu quả dự án vẫn chưa như mong đợi. Từ thực tế đó, ông Du cho rằng nên hạn chế đổi đất lấy hạ tầng theo kiểu hàng đổi hàng mà thực hiện đổi tiền mặt lấy hạ tầng – nghĩa là bán đấu giá độc lập quyền sử dụng đất rồi lấy tiền thanh toán hợp đồng BT theo tiến độ.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM Lê Hoàng Châu nhận xét cách làm BT như hiện nay đã tạo “lợi ích kép” cho nhà đầu tư. Cụ thể, nhận dự án, dự toán công trình là do nhà thầu đề xuất. Ngoài ra, các khu đất đắc địa cũng do nhà thầu đề xuất để thanh toán công trình.
Bên cạnh đó, ông Châu cho rằng việc thực hiện phương thức chỉ định nhà thầu đã bộc lộ nhiều hạn chế. Nhà đầu tư thường chỉ có khoảng 10% vốn, còn lại khoảng 90% vốn đầu tư xây lắp là vay ngân hàng nên tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành công trình.
“Điều này dễ phát sinh tiêu cực, lợi ích nhóm, tác động đến môi trường đầu tư kinh doanh và lợi ích xã hội, trong lúc thiếu cơ chế phản biện, giám sát, thẩm định khách quan của bên thứ ba” – ông Châu nhìn nhận.
Ông Châu khẳng định hình thức chỉ định nhà thầu kiêm nhà đầu tư dự án BT, BOT… làm giảm đi tính minh bạch, công khai, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của môi trường kinh doanh; tác động tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, hình thức này có thể gây thiệt hại ngân sách nhà nước và gây quan ngại cho xã hội.
Công khai, minh bạch quy trình
Trước những thách thức được các đại biểu đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định phải xây dựng quy trình làm dự án BT. Theo ông Tuyến, hiện nay ta xem nhẹ khâu này.
“Quy trình đó phải công khai, minh bạch, xác định rõ thời gian, trách nhiệm của từng ngành, từng cấp chứ không thể cái gì cũng đổ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ví dụ, quỹ đất thì trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, bồi thường giải phóng mặt bằng là của các quận – huyện… Từng dự án cụ thể phải có quy trình cụ thể” – ông Tuyến nói. Ông cho biết sắp tới đây, tất cả dự án đầu tư phải đấu thầu. Đấu thầu chọn nhà đầu tư và đất thì phải đấu giá. Những cái này sẽ được tính toán kỹ lại để xây dựng thành quy trình.
Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng việc xây dựng một khung pháp lý đầy đủ và minh bạch là điều kiện tiên quyết cho thành công của các dự án BT. Bởi lẽ, điều này giúp tránh lợi ích nhóm, thân hữu và phòng ngừa được tiêu cực, tham nhũng trong các hợp đồng của khu vực nhà nước. Sự thành công của các dự án BT còn đến từ việc lựa chọn các đối tác tư nhân phù hợp. “Chỉ những doanh nghiệp tư nhân có năng lực và vững mạnh mới đủ khả năng tài trợ vốn, thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và cung cấp dịch vụ cho đến khi kết thúc thời gian nhượng quyền” – ông Phong nói.
Theo chủ tịch UBND TP, công tác quản lý các dự án BT là hết sức quan trọng. Nếu tồn tại tình trạng tham nhũng, quan liêu, điều hành quản lý… sẽ khiến mô hình BT không hoạt động tốt. Do đó, ông Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh quy định về quản lý đầu tư dự án theo hình thức BT theo hướng công khai, minh bạch; xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong triển khai dự án, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước – người dân – doanh nghiệp.
Chủ tịch UBND TP HCM NGUYỄN THÀNH PHONG:
Nhiều nhà đầu tư theo đuổi đất “vàng” Thủ Thiêm
Trên địa bàn TP hiện còn nhiều mảnh đất đẹp, nằm ở vị trí đắc địa, được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. Đó là những lô đất ở vùng lõi của Khu Đô thị mới Thủ Thiêm. Những lô đất này đã được nhà nước bỏ tiền giải phóng mặt bằng, nhiều nhà đầu tư theo đuổi, muốn thực hiện các dự án BT để có được nó.
Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, tôi yêu cầu đấu giá các mảnh đất này chứ không dùng chúng để thanh toán cho các dự án BT. Có thể các nhà đầu tư theo đuổi các mảnh đất đó sẽ buồn nhưng chuyện này phải rõ ràng.
Giám đốc Sở GTVT TP HCM BÙI XUÂN CƯỜNG:
Linh hoạt vận dụng
Hiện nay, các dự án BT ở TP HCM chiếm 90%. Có những dự án nếu “đúng bài” thì không làm được cái gì. Nếu không có vận dụng riêng thì rất khó làm các dự án BT. Quá trình thực hiện BT nếu đứng trên một cái khung chung của cả nước thì chắc chắn TP không thể triển khai. Khó khăn chính trong quá trình triển khai các dự án BT hiện nay là về trình tự thủ tục, từ chỉ định thầu cũng như đấu thầu. Do đó, muốn làm được các dự án BT phải có quyết tâm chính trị rất cao.
Về việc một số đơn vị đầu tư cho rằng cần tách biệt phần đầu tư và phần chuyển giao riêng để dễ thực hiện dự án, tôi cho rằng không thể tách rời được mà phải gắn với nhau.