Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì chiều 16/8, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Minh bày tỏ mong muốn tiếp tục cho phép Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm và mở rộng danh mục đấu thầu tập trung thuốc bảo hiểm y tế năm 2018.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam muốn quá trình đấu thầu phải được rộng rãi, công khai, minh bạch để giảm bớt gánh nặng cho bảo hiểm y tế. “Quan điểm về nhận thức giữa ngành y tế và ngành tài chính rất vênh nhau, nếu không rà soát kỹ sẽ rất lệch lạc trong ban hành chính sách”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
“Quỹ bảo hiểm y tế tình hình rất căng mà giá thuốc thì cao, nhất là các loại biệt dược, cao ngất ngưởng, phải xem rõ có lợi ích nhóm không, ai đứng sau, trong khi đất nước còn nghèo, người dân khó khăn”, ông Huệ nói, “việc đấu thầu giữa các bộ, ngành địa phương không thống nhất, kiểm toán nhà nước đã công khai những sai phạm, không còn úp mở, Quốc hội và người dân đều biết”.
Theo Phó Thủ tướng, “Chính phủ quyết tâm giảm từ 10 – 15% giá thuốc sau khi đấu thầu thuốc do Bảo hiểm y tế chi trả so với giá hiện nay thì dân được nhờ nhiều lắm. Đặc biệt là giảm các giá thuốc biệt dược đã hết bản quyền công nghệ, đồng thời làm tăng tính an toàn cho Quỹ Bảo hiểm xã hội”.
Ông Huệ yêu cầu Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính và Bộ Y tế phải thống nhất hành động để từ ngày 1/1/2018 thì Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thí điểm được đấu thầu thuốc dùng trong lĩnh vực Bảo hiểm y tế. Bộ Y tế phối hợp hướng dẫn và mở rộng các hình thức đấu thầu thuốc để có tính cạnh tranh cao hơn, kiểm soát chặt chẽ đấu thầu thuốc, thiết bị y tế tại các địa phương.
Loạn giá thuốc trúng thầu
Báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam nêu khá nhiều “khuất tất” trong công việc này mà Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát hiện ra.
Đó là, có sự khác biệt đáng kể về giá thuốc trúng thầu giữa các địa phương. Đặc biệt, giá thuốc do doanh nghiệp đóng trên địa bàn khi trúng thầu tại các cơ sở khám chữa bệnh của chính địa phương lại cao hơn giá thuốc trúng thầu tại địa phương khác (Bình Định, Phú Yên…).
Việc đấu thầu mua sắm vật tư y tế còn hình thức, có nhiều hội đồng thực hiện không đúng quy định. Xây dựng giá kế hoạch các mặt hàng căn cứ báo giá của một số nhà cung cấp tại địa phương rồi sử dụng chứng thư thẩm định giá mà không tham khảo giá trúng thầu các mặt hàng cùng chủng loại cùng thời điểm tại các đơn vị, địa phương khác, giá thẩm định bằng giá đề xuất; Nêu cụ thể xuất xứ, ghi tên thương mại của sản phẩm, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật vật tư y tế như đối với thuốc; yêu cầu năng lực tài chính, năng lực kinh nghiệm không phù hợp… làm hạn chế sự tham gia của nhà thầu, thậm chí chỉ định thầu…
Cần Danh mục thuốc đấu thầu tập trung
Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng phàn nàn Danh mục thuốc được ban hành quá rộng rãi, chưa được xem xét xây dựng dựa trên tiêu chí chi phí – hiệu quả. Với 845 hoạt chất theo danh mục thuốc tân dược, trên thị trường Việt Nam đã có khoảng 20.000 loại thuốc theo tên thương mại/thành phẩm, trung bình một hoạt chất có khoảng 20 thuốc thành phẩm, với nhiều dạng đóng gói, hàm lượng, các mức giá khác nhau.
Trong khi đó, tại Cộng hòa Pháp: danh mục thuốc bảo hiểm y tế có đến 3.000 hoạt chất nhưng cũng chỉ có khoảng 10.500 thuốc thành phẩm, trung bình 3,5 thuốc thành phẩm cho một hoạt chất được quy định trong thanh toán bảo hiểm y tế. Mặt khác, trong danh mục còn khá nhiều loại thuốc chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị.
Theo ông Sơn, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 59, ngày 19/7/2016, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức họp đề xuất với Bộ Tài chính, Bộ Y tế thống nhất nguyên tắc, tiêu chí lựa chọn Danh mục thuốc đấu thầu tập trung do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện (không trùng với danh mục thuốc do Bộ Y tế thực hiện), đồng thời cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức thực hiện.
Tại cuộc họp này, các bộ đã cơ bản thống nhất với danh mục thuốc do Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã rà soát lại, lựa chọn điều chỉnh danh mục thuốc, đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính thống nhất ban hành Danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia do Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện gồm 17 loại thuốc, tương ứng 12 hoạt chất, giá trị trúng thầu năm 2015 là trên 1.795 tỷ đồng. Đề xuất này đã được Bộ Tài chính cơ bản thống nhất. Tuy nhiên, Danh mục thuốc vẫn chưa được Bộ Y tế ban hành.
Theo Báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tốc độ gia tăng chi phí 6 tháng đầu năm 2017 rất lớn, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Nhiều địa phương đã sử dụng hết 70%, thậm chí là 90% quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cả năm của tỉnh (Quảng Nam, Quảng Trị). Dự báo cuối năm 2017, với tình hình gia tăng chi phí như hiện nay thì quỹ bảo hiểm y tế sẽ bội chi trên 10 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều địa phương dự kiến bội chi từ 500 – 1.000 tỷ đồng (Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Quảng Nam, Đà nẵng…).
Hiện tại, mức đóng bảo hiểm y tế trung bình/năm của tất cả các đối tượng là khoảng 900 nghìn đồng, tương đương khoảng 40 USD, trong khi đó, quyền lợi mở rộng rất nhiều như giảm mức đồng chi trả, thanh toán các trường hợp bị tai nạn, khám chữa bệnh thông tuyến, huyện… hầu hết các dịch vụ kỹ thuật (trên 1.500) đều được vào thanh toán bảo hiểm y tế. So sánh với một số nước trong khu vực và châu Á cho thấy Thái Lan khoảng 120USD, gấp 3 lần Việt Nam, Philippines thấp nhất là 57USD trong khi đó phạm vi quyền lợi hưởng bảo hiểm y tế không quá rộng rãi như ở Việt Nam.