Cơ hội “cắt phao” tín dụng ngoại tệ

Chỉ còn hơn một tháng nữa để các NHTM kết thúc hoạt động cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 31/2016. Như vậy, nếu NHNN không có điều chỉnh thời hạn, dự kiến hoạt động huy động và cho vay ngoại tệ trong hệ thống NH sẽ chuyển sang mua – bán thương mại đơn thuần sau ngày 31/12.

Kiên định bỏ vay mượn USD

Mới đây, trong hội nghị về kết nối ngân hàng – doanh nghiệp (NH – DN) tại TP.HCM, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đã nhấn mạnh rằng, thời gian tới NHNN sẽ siết lại hoạt động cho vay ngoại tệ chứ không tiếp tục hỗ trợ các DN vay ngoại tệ để chuyển đổi sang tiền đồng như hiện nay nữa.

Lập luận cho thông điệp này, Phó Thống đốc cho rằng, mặc dù việc nới lỏng chính sách cho vay ngoại tệ đã giúp cho khá nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn tín dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, thực tế không ít các DN không thuộc nhóm lĩnh vực, ngành nghề cần ưu tiên phát triển vẫn tận dụng được chính sách này để vay vốn giá rẻ.

Trong khi đó, những kết quả của chương trình kết nối NH – DN các năm qua cho thấy, hàng triệu tỷ đồng vốn tín dụng (bằng tiền đồng) với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 6-9%/năm; trung – dài hạn 8-10%/năm) đã được các NHTM cam kết cho vay. Quan hệ hợp tác giữa các NHTM và cộng đồng DN đã phát triển, trở thành quan hệ bạn hàng, sòng phẳng và có sự gắn kết chặt chẽ. Do vậy, nếu tiếp tục chính sách cho vay ngoại tệ sẽ khiến cho một số DN được hưởng lợi. Điều này trước tiên sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh làm ăn của cộng đồng DN chứ chưa tính đến những hệ lụy liên quan đến câu chuyện đô la hóa và giảm sút giá trị tiền đồng.

Những thông điệp trên của lãnh đạo NHNN cho thấy rằng, mục tiêu chuyển dần quan hệ vay mượn ngoại tệ sang quan hệ mua bán đơn thuần trong toàn hệ thống NH là khá nhất quán và kiên định.

Nhiều NHTM đang khuyến khích hoạt động mua bán ngoại tệ

Thực tế, từ năm 2009 đến nay NHNN đã nhiều lần mở van cho tín dụng ngoại tệ để hỗ trợ xuất khẩu. Thời điểm 2010, với quy định cho phép các NHTM giảm khá mạnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ (giảm từ 7% xuống 4% đối với kỳ hạn dưới 12 tháng, từ 3% xuống 2% đối với kỳ hạn trên 12 tháng), tín dụng ngoại tệ có thời điểm đã tăng tới 37,7% khiến các rủi ro tiềm ẩn đối với tỷ giá và tình trạng đô la hóa liên tục được giới quan sát cảnh báo.

Mặc dù bị cảnh báo như vậy nhưng trong suốt các năm 2012-2017 NHNN vẫn gia hạn chính sách cho vay ngoại tệ đối với một số đối tượng DN. Điều này cho thấy rằng động cơ hỗ trợ nền kinh tế của NHNN thể hiện khá rõ ràng và liên tục. NHNN đã linh hoạt sử dụng các công cụ quản lý tỷ giá và giới hạn trần lãi suất huy động USD bằng 0%/năm để điều chỉnh dần mức cầu ngoại tệ. Và đến thời điểm hiện nay có thể khẳng định rằng chính sách tiệm tiến này đã bắt đầu có kết quả.

Thời điểm cắt phao đã đến

Những thống kê của NHNN cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2017 tín dụng ngoại tệ của cả nước tăng khoảng 12,9% và chiếm 8,4% tổng tín dụng. Tại địa bàn TP.HCM, trong 10 tháng vừa qua dư nợ cho vay bằng ngoại tệ cũng đạt mức 157.270 tỷ đồng (tăng 14,08%, chiếm 9,38% tổng dư nợ). Với mức tăng như vậy, phải thừa nhận ngay rằng, nếu NHNN kiên quyết không tiếp tục gia hạn Thông tư 31/2016 thì khá nhiều DN sẽ bị cắt đi một phần nguồn vốn rẻ.

Tuy nhiên, như đã lập luận ở trên, mọi chính sách phải hướng tới sự công bằng và bình đẳng. Cho đến thời điểm hiện nay, việc giữ ổn định tỷ giá liên tục trong một thời gian dài của NHNN đã khiến cho chênh lệch lãi suất cho vay giữa USD và VND không còn quá lớn. Các DN tiếp cận vốn bằng đồng nội tệ thực tế đã không còn “than” mức lãi suất quá cao như các năm trước. Bởi so với thời điểm 2011-2012, lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng hiện nay đã giảm khá mạnh. Các DN được NH đánh giá tốt, thậm chí có thể vay vốn lãi suất 5-6%/năm. Mức này so với lãi suất vay USD (2,8 – 4,7%/năm) nếu cộng cả chi phí chuyển đổi thì đã không còn chênh lệch lớn.

Nên khảo sát nhu cầu từ thị trường

Mặc dù, đồng tình với chủ trương chống đô la hóa nền kinh tế nhưng một số chuyên gia lĩnh vực tài chính-ngân hàng vẫn cho rằng: NHNN nên có quy định theo hướng tăng cường kiểm soát với những DN lợi dụng chính sách cho vay ngoại tệ để trục lợi và chỉ cho vay đối với các DN xuất khẩu có ít nhất 50 – 70% doanh thu bằng ngoại tệ. Đồng thời NHNN nên tiến hành khảo sát nhanh từ phía các TCTD và cộng đồng kinh doanh để nắm bắt nhu cầu vay của các DN xuất khẩu trước khi ngưng chính sách cho vay ngoại tệ theo quy định tại Thông tư 31/2016.

Bên cạnh đó, chỉ trong vòng gần một tháng vừa qua, NHNN đã liên tiếp cấp phép bổ sung hoạt động kinh doanh dịch vụ ngoại hối cho cho hàng loạt NHTM (bao gồm: TPBank, Kienlongbank, Agribank, PG Bank). Trước đó không lâu, NHNN cũng đã cấp phép bổ sung hoạt động này cho nhiều TCTD như: OCB, Saigonbank, BacABank, Maritime Bank và NamABank…

Diễn biến cho thấy, cùng với mức dự trữ ngoại hối đạt đỉnh (45 tỷ USD), hiện nay NHNN cũng đã thực hiện quản lý thả nổi tỷ giá mua vào đối với đồng USD từ các NHTM. Việc điều hành thị trường ngoại hối theo thực tế diễn biến cung – cầu hàng ngày của NHNN như vậy đã khiến các NHTM khá chủ động trong việc mua – bán ngoại tệ.

Nhiều NH như Vietcombank, BIDV, Maritime Bank, Eximbank… hiện nay đã khá rộng tay trong việc bán USD cho khách hàng với các chương trình khuyến mại. Điều này khẳng định rằng một khi chính sách cho vay ngoại tệ buộc phải khép lại thì các DN có nhu cầu ngoại tệ cũng không gặp khó khăn gì nếu có nhu cầu mua bán – trao đổi giữa VND và USD để phục vụ các hoạt động du lịch, du học, định cư, khám chữa bệnh tại nước ngoài hoặc thanh toán xuất – nhập khẩu.

DN sắp hết cửa được vay ngoại tệ

Bài viết mới