Thận trọng khi bơm 600.000 tỉ đồng vào nền kinh tế

Ông Sinh cảnh báo, phải kiểm soát thường xuyên và chặt chẽ 2 thị trường chứng khoán và bất động sản để tránh những tác hại ngược đến nền kinh tế.

– Qua đánh giá sơ bộ, 9 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng khoảng 11%, và theo dự kiến của Chính phủ tín dụng sẽ tăng khoảng 21%. Vậy theo ông, mục tiêu tăng trưởng có nên nằm trong lĩnh vực sản xuất hay không?

Câu chuyện sản xuất của chúng ta hiện đang có vẻ không tăng trưởng nhiều theo tín dụng đó. Vừa qua, toàn bộ nền sản xuấ trong nước nhìn trên góc độ đóng thuế thì không đạt được mục tiêu. Ví dụ, thu thuế của 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp ngoài quốc doanh thì thu thuế 9 tháng đầu năm mới đạt khoảng trên 60%. Như vậy, quy mô sản xuất ở đây đang có vấn đề.

Ngoài ra, chúng ta rất kỳ vọng số doanh nghiệp được thành lập mới sẽ phát triển và thu hút vốn, theo dự kiến mỗi tháng có thể tăng được hơn 10.000 doanh nghiệp, 1 năm có thể đạt 120.000 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số 120.000 doanh nghiệp thành lập mới thì lại có tới 60% không hoạt động được hoặc đang ngừng hoạt động, thậm chí giải thể.

Tôi nhìn nhận vấn đề tăng trưởng tín dụng vẫn chủ yếu là thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản. Với thị trường chứng khoán, chỉ số đang rất cao và tăng rất nhanh, còn thị trường bất động sản hiện đang có dấu hiệu ấm lên. Đây là những tín hiệu tốt cho sự tăng trưởng, nhưng tôi cho rằng đây sẽ không phải là nơi tăng trưởng như kỳ vọng và mong muốn, bởi nó không trực tiếp vào lĩnh vực sản xuất để làm ra của cải vật chất.

Chính vì vậy, mục tiêu chúng ta đổ ra tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm khoảng 600.000 tỉ đồng phải hết sức thận trọng với hiện tượng “bong bóng”, khi đó sẽ tác động rất xấu đến nền kinh tế.

– Theo ông, việc đẩy tín dụng lên 21 – 22% để đạt được mục tiêu tăng trưởng 10% trong 3 tháng cuối năm, cũng như bơm ra thị trường 600.000 tỷ đồng có phải là mục tiêu nên lựa chọn và đáng ưu tiên tại thời điểm này hay không?

Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những yêu cầu vì hiện nay tăng trưởng chính của chúng ta vẫn đang dựa vào nguồn vốn và lực lượng lao động. Chúng ta cũng đã có cải cách “một chút” về tăng trưởng chất lượng đó là thay đổi công nghệ, nhưng thực tế tăng trưởng vẫn phụ thuộc tới 48% là vốn. Mục tiêu của Chính phủ đặt ra tăng trưởng tín dụng 21 -22% cũng là để góp phần làm tăng trưởng GDP. Nhưng phải kiểm soát “thường xuyên” và chặt chẽ 2 thị trường chứng khoán và bất động sản để tránh những tác hại ngược đến nền kinh tế.

– Nếu vậy, dù với kịch bản xấu nhất là nền kinh tế quý IV không tăng trưởng theo quy luật, thì với lượng tín dụng được đưa vào nền kinh tế sẽ đảm bảo chắc chắn mục tiêu tăng trưởng quý và cả năm sẽ đạt được, thưa ông?

Tôi cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chỉ là một trong những giải pháp để chúng ta kích thích cho tăng trưởng nền kình tế. Tôi nhấn mạnh lại, phải hết sức thận trọng khi chứng khoán và bất động sản tăng trưởng “nóng” lên.

– Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21-22% là chưa cần thiết. Vì theo thông lệ, mức tăng trưởng tín dụng cao gấp 2,5 lần tăng trưởng GDP, như vậy mức tăng trưởng tín dụng chấp nhận được nên là 16,75% là ổn. Quan điểm của ông thế nào về nhận xét này?

Nếu tăng trưởng tín dụng tăng cao và được đổ vào lĩnh vực sản xuất thì nền kinh tế sẽ phát triển bền vững, kể cả hiện tại và tương lai. Còn tín dụng được đổ vào thị trường trung gian thì cần phải hết sức cân nhắc và xem xét.

– Với vai trò là một ĐBQH, ông nhìn nhận thế nào nếu tăng trưởng tín dụng được đẩy lên 21-22% vào 3 tháng cuối năm này?

Đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng là đúng, nhưng phải làm sao để tăng trưởng phải đi từ nội lực nền kinh tế của Việt Nam, chứ không phải nhờ vào sự tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài hay tăng trưởng nhờ trên những thị trường có khả năng “ảo” và rất có thể gây ra “bong bóng” như chứng khoán và bất động sản.

– Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 21 đang quá xa vời?

Bài viết mới