2017 là một năm đại thắng của Alibaba. Với doanh thu bán hàng thương mại điện tử tăng 63% trong quý 3, lợi nhuận của Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc đã vượt xa kỳ vọng của các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Vốn hóa thị trường của Alibaba tăng gấp đôi trong năm nay, lên đến gần 470 tỷ USD. Câu chuyện thành công của Jack Ma, người trượt đại học, bị từ chối xin việc nhưng đã gây dựng nên một đế chế thương mại điện tử trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho toàn thế giới.
12 năm trước, khi APEC năm 2006 tổ chức tại Hà Nội, Jack Ma đã đến Việt Nam với sự tò mò khi mọi người nói rằng “Việt Nam sẽ là một Trung Quốc thứ hai trong 10 năm tới”. Nhưng ở thời điểm đó, ông rất thất vọng và nghĩ rằng, sẽ mất rất nhiều thời gian để Việt Nam có thể đạt được tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc và ông chưa sẵn sàng để tham gia vào thị trường này.
Nhưng năm nay thì khác.
Nhận lời mời tham dự Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017, Jack Ma sang Việt Nam với góc nhìn mới. Chỉ sau 2 đêm tại Hà Nội, 2 tiếng rưỡi đồng hồ trên những con phố vào tối mùa thu đã khiến Jack Ma “yêu nguồn năng lượng ở đây”.
Jack Ma tại diễn đàn thanh toán điện tử – Ảnh: VNExpress
“Chúng tôi đến đây để giúp Chính phủ Việt Nam”
Jack Ma từng gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Davos, và ông Phúc đã mời Jack Ma sang Việt Nam truyền cảm hứng cho giới trẻ, đề nghị Alibaba thiết lập một hệ sinh thái giúp nông dân, các tiểu thương vừa và nhỏ có thể xuất khẩu hàng hóa ra thế giới. Thủ tướng mong muốn với tư cách là người khởi xướng và nhiều thành công trong khởi nghiệp, ông Jack Ma sẽ hỗ trợ phong trào khởi nghiệp của Việt Nam, đầu tư vào các quỹ cho khởi nghiệp. Không dừng lại ở đó, Thủ tướng giao các bộ, ngành chức năng trao đổi, làm việc với Alibaba để hiện thực hóa các cơ hội hợp tác.
Điều này có nghĩa rằng cuộc đổ bộ của Alibaba vào thị trường thanh toán điện tử Việt Nam đã rất gần khi vị Chủ tịch của Tập đoàn này nhận thấy “mỏ vàng” cơ hội khổng lồ nơi đây.
Jack Ma cho rằng ngày nay, việc một đất nước không có kết nối internet còn tệ hơn là không có điện ở thời điểm 100 năm trước. Theo số liệu được công bố, Việt Nam hiện nay đứng thứ 15 thế giới về tỷ lệ người sử dụng internet, tương đương 53% dân số, trong đó internet băng rộng chiếm 40% và số người sử dụng smartphone lên đến gần 50 triệu thuê bao. Đây là nền tảng quan trọng cho sự bùng nổ của thanh toán điện tử và thanh toán qua mobile trong thời gian tới.
Jack Ma chắc chắn đã nghiên cứu kĩ các con số này. Trong thời gian ngắn ngủi tại Hà Nội, Jack Ma quan sát thấy giới trẻ Việt Nam sử dụng điện thoại di động rất nhiều. Ông cho rằng Việt Nam có cơ hội khổng lồ trong thanh toán điện tử vì “54% dân số dùng điện thoại di động mà vẫn dùng tiền mặt thì không tốt”. Xã hội phi tiền mặt đang đến gần, điều này sẽ giúp tăng tính minh bạch, hạn chế tham nhũng và hành vi lừa đảo chống rửa tiền bởi khi xã hội số hoá thì mọi giao dịch đều được lưu dữ liệu lại.
“Đây là một miền đất có rất nhiều cơ hội, hôm qua chúng tôi họp nội bộ và thấy rằng có thể thúc đẩy hạ tầng thanh toán hỗ trợ cho mọi người ở đây. Tôi sẽ trình bày với ngài Thủ tướng Việt Nam nhằm tăng cường logistic và thương mại xuyên biên giới để giúp giới trẻ bán hàng cho Trung Quốc, sang Malaysia, thanh toán điện tử B to C (business to customer)”.
Jack Ma tiết lộ Alibaba đến Việt Nam để giúp các DN nhỏ và vừa làm ăn. “Chúng tôi muốn giúp DN Việt Nam làm ăn ở nội địa và vươn ra bên ngoài thế giới, đó là chiến lược. Tôi không đến Việt Nam chỉ để làm thương mại điện tử vì điều đó chúng tôi đã làm rất tốt ở Trung Quốc. Chúng tôi muốn giúp Chính phủ Việt Nam về các giải pháp thanh toán, chúng tôi có tri thức, những cái chúng tôi mang đến sẽ thuộc về Việt Nam, chúng tôi tạo nền tảng giúp các bên kể cả các cổ đông nhỏ lẻ kiếm ra tiền.”
Khi nhắc đến trường hợp EBay không thành công tại Trung Quốc, Jack Ma cho rằng bất cứ một tập đoàn đa quốc gia nào đến một địa điểm mới không nên giành lấy thị trường của họ. “Chúng ta cần hỗ trợ các đối tác tạo năng lực cho họ, tạo cơ hội cho doanh nghiệp bản địa”.
“Thanh toán điện tử sẽ tạo cơ hội việc làm cho nhiều người trẻ để họ cạnh tranh vì tương lai, người trẻ không đi bộ ngoài đường phố nữa mà họ sẽ khiêu vũ trên đường phố”, “đó là một cuộc cách mạng”, Jack Ma nhấn mạnh.
Thay đổi suy nghĩ người tiêu dùng bằng uy tín
Trong khi nhiều công ty fintech và các ngân hàng còn đang vật lộn với những khó khăn trong việc triển khai mở rộng thị trường thanh toán điện tử, thanh toán qua mobile bằng QR Code hay Tokenization, thì quan điểm của Jack Ma là “Cứ làm đi, nếu muốn làm thì làm được, còn không muốn làm thì có cả triệu lí do”. Alibaba và Alipay đã bắt đầu với một tinh thần và một niềm tin rằng “nếu chúng ta không tin mình sẽ cạnh tranh được thì cho dù 10 năm sau cũng không cạnh tranh được”.
Alibaba thành công được như ngày hôm nay là nhờ triết lý “nếu muốn phát triển kinh doanh thì phải đảm bảo mọi người trẻ đều được trao cơ hội”. Alibaba phát triển loại hình thanh toán di động thành một phần thúc đẩy tài chính bao trùm, làm sao càng nhiều người hưởng lợi càng tốt.
Cách đây 14 năm khi Jack Ma có ý tưởng phát triển Alipay đã vấp phải sự phản đối của nhiều người. Các ý kiến cho rằng điều này là không thể vì người dân Trung Quốc thích tiền mặt, họ muốn xem sản phẩm tận nơi tận mắt. Nhưng kết quả là hiện nay có 600 triệu người Trung Quốc đã sử dụng thanh toán di động của Alipay.
“Những khó khăn các bạn gặp phải chúng tôi đều gặp phải, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Tôi đã nói với các đồng nghiệp rằng nếu chúng tôi thất bại, nếu có ai đó trong chúng tôi đi tù vì việc này thì tôi sẽ là đi đầu tiên, nhưng các bạn vẫn sẽ tiếp tục làm. Đó là điều chúng ta cần, và người tiêu dùng cần. Chúng ta muốn giải quyết vấn đề, nếu chúng ta muốn thì luôn có cách”.
Khi bắt đầu với Taobao, đội ngũ của Alibaba đã phải nỗ lực rất nhiều, làm thế nào để mua bán với người chúng ta chưa gặp bao giờ, làm thế nào thay đổi được tư duy của người tiêu dùng.
Tính bảo mật an ninh là yếu tố quan trọng nhất trong ngày đầu xây dựng. Alibaba đã xây dựng trên niềm tin khi tuyên bố rằng “nếu quý vị mất 1 USD khi dùng Alipay thì tôi sẽ trả lại bạn 1 USD, bạn mất 50 USD tôi sẽ trả đủ 50 USD”. Ông cũng khuyến khích người dùng thanh toán điện tử bằng cách nếu thanh toán online chỉ mất 5 USD, còn nếu thanh toán bằng tiền mặt (COD) sẽ là 50 USD. Điều này đã giúp Taobao và Alipay thành công, vượt qua mọi rào cản, dần dần Alibaba Group từ không có gì đã xây dựng được niềm tin của người tiêu dùng và thay đổi hành vi mua bán trực tuyến của họ.
Trước những mong muốn của Alibaba nói riêng và các doanh nghiệp fintech Việt Nam nói chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết “Chính phủ cam kết sẽ tạo thuận lợi và thúc đẩy xu hướng thanh toán di động tại Việt Nam”. Chính phủ đã có nhiều quyết sách, đề án để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt nói chung và thanh toán di động nói riêng. Chính phủ cũng cam kết phát hiện và giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên thực tế để đảm bảo lợi ích có thể đến được với đại đa số người dân và doanh nghiệp.
Lãnh đạo Chính phủ đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để giải quyết những khó khăn, vướng mắc đang và sẽ phát sinh. Cộng đồng doanh nghiệp hợp tác cũng cần với nhau và với Chính phủ để cùng giải quyết các thách thức…
Đại diện NHNN, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cũng cho biết đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán.
Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) cũng đã được thành lập để tham mưu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.