Hãy cùng tham khảo những bí quyết dưới đây để áp dụng vào việc dạy con của mình nhé.
Áp dụng kỉ luật linh hoạt và khoa học
Nguyên tắc dạy con đầu tiên của người Do Thái là áp dụng kỉ luật. Trẻ còn nhỏ, do vậy, việc mắc sai lầm là không tránh khỏi. Những lúc này, cách giáo dục của cha mẹ có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên tính cách của con cái khi trưởng thành.
Trước khi trừng phạt trẻ, cha mẹ Do Thái luôn đặt ra 10 câu hỏi:
1. Mục đích của sự trừng phạt này là gì?
2. Cách phạt này có thực sự ngăn chặn được những hành vi không đúng của trẻ không?
3. Cách phạt này thực sự có thể giúp trẻ hiểu được hành vi sai trái của mình không?
4. Tại sao mình lại trừng phạt con, có phải vì mình đang tức giận không?
5. Có phải xuất phát từ sự kích động mà mình quyết định trừng phạt con không?
6. Khi mình không tức giận, mình có trừng phạt con như vậy không?
7. Cách phạt này có làm con cảm thấy xấu hổ hoặc tủi thân không?
8. Lẽ nào không còn cách nào khác ư?
9. Cách trừng phạt này là một phần của kế hoạch ư?
10. Có phải mình luôn trừng phạt con như vậy?
Nắm được những lưu ý trên nên khi cha mẹ Do Thái dạy dỗ con cái thường tránh trừng phạt chúng. Tuy nhiên, khi cần trừng phạt họ tuyệt đối không nhẹ tay. Họ rất coi trọng những cách trừng phạt hợp lí và khoa học, vì như vậy sẽ giúp trẻ nhận thức được hành vi đúng đắn.
Cha mẹ Do Thái không phạt con cái trước mặt người khác. Họ sẽ tìm một căn phòng riêng, sau đó cùng trẻ nói chuyện và tìm ra cách phạt hợp lí. Làm như vậy bảo vệ được lòng tự tôn của trẻ và không để chúng cảm thấy xấu hổ với những người xung quanh. Ngoài chỉ ra những lỗi lầm của con, cha mẹ Do Thái còn giáo dục chúng tinh thần dám nhận lỗi và sửa lỗi.
Không quá bao bọc con
Bất kỳ bà mẹ nào trên thế giới cũng yêu con nhưng cách yêu con của các bà mẹ Do Thái lại rất khác biệt. Họ dành cho con “tình yêu đống lửa” – tức là sự nhen nhóm, khích lệ chứ không phải chỉ cho con cảm giác an toàn, bao bọc. Yêu thương con với người Do Thái là phải nhìn xa trông rộng, đem lại lợi ích suốt đời cho con, đào tạo đứa trẻ trở thành bản lĩnh, thực sự mạnh mẽ trong đường đời.
“Người Do Thái có câu nói nổi tiếng là “bố mẹ đừng làm quản gia mà hãy làm quân sư cho con”. Ý nói hãy chỉ hướng dẫn, tư vấn cho con, đừng quá bao bọc và làm thay con mọi việc. Tuyệt đối không rơi vào căn bệnh 421 (4 ông bà nội ngoại, 2 bố mẹ vây quanh 1 đứa trẻ) vì điều đó chẳng khác cha mẹ sẵn sàng là nô lệ của con và chỉ đầu độc con mà thôi.
Tránh thiên vị
Người Do Thái đặc biệt coi trọng việc đối xử công bằng với tất cả các con của họ. Việc thiên vị một đứa trẻ nhiều hơn đứa trẻ khác có thể mang lại ảnh hưởng xấu. Những đứa trẻ nhìn thấy bố mẹ yêu thương anh, chị hoặc em của mình hơn sẽ nảy sinh ghen tỵ. Từ sự ghen tỵ, đứa trẻ trở nên ương bướng, khó bảo, thường làm những điều trái với ý muốn của cha mẹ hoặc phá đám cho bõ tức. Sự thiên lệch tình cảm của cha mẹ đối với con cái thậm chí còn gây nên sự thù hận giữa chúng.
Nguyên tắc 3 không
Người mẹ Do Thái nói rằng “phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm”. Bởi vì cha mẹ ẩn giấu 20% tình yêu con để trở nên lý trí, khoa học, nghệ thuật hơn trong cách dạy con. Theo đó, có ba điều mà người mẹ không nên làm với con đó là: Không thỏa mãn trước; Không thỏa mãn tức thời; Không thỏa mãn quá mức yêu cầu của con.
Coi trọng việc đọc sách
Người Do Thái cực kỳ coi trọng việc đọc sách, đó cũng là lý do giúp họ trở thành một dân tộc thông thái. Ngay từ khi còn nhỏ, những đứa trẻ đã được cha mẹ gây dựng tình yêu với sách và dạy cách đọc sách một cách nghiêm túc, đọc để hiểu và thấm nhuần tri thức chứ không phải đọc “chơi chơi”.
Một cuốn sách trẻ sẽ đọc đi đọc lại nhiều lần, và mỗi lần đọc cấp độ hiểu về cuốn sách sẽ tăng lên. Cụ thể, đọc lần 1 để hiểu nội dung; lần 2 đọc từng phần để nắm các ý chính; lần 3 đọc để hiểu rõ hơn nội dung; lần 4 đọc để rút ra những gì tinh túy nhất của cuốn sách; lần 5 đọc đi đọc lại nội dung cuốn sách để hiểu tổng thể nội dung.
Giáo dục con trẻ ngoài tình yêu thương, đòi hỏi cha mẹ cần có một phương pháp giáo dục khoa học. Trong đó, cách người Do Thái dạy con là một khuôn mẫu điển hình và là bài học quý báu để chúng ta tham khảo về cách nuôi và dạy con một cách tốt nhất.