Bên cạnh cây ăn trái, HAGL bất ngờ đặt mục tiêu thu về nghìn tỷ từ ớt trong năm 2018

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL – mã HAG) đã bắt đầu mở ra chương mới trong hoạt động kinh doanh. Trong bối cảnh các lĩnh vực trước đây không thể đặt nhiều kỳ vọng một cách chắc chắc, trái cây và gia vị đã xuất hiện như một điểm sáng hiếm hoi cho quá trình tái cơ cấu. Đại diện HAGL trong buổi gặp mặt nhà đầu tư mới đây cho biết, tập đoàn đang trồng 19 loại cây ăn trái và gia vị trên diện tích 18.000 ha tại Lào, Campuchia và Việt Nam.

“Chúng tôi đã nhận ra sai sót là dùng nguồn vốn ngắn hạn tài trợ cho các khoản đầu tư dài hạn vào cao su, vào cọ dầu. HAGL cũng bị rủi ro khi đầu tư tại thời điểm giá cao su đỉnh điểm 6.000 USD/tấn nay chỉ còn trên dưới 2.000 USD/tấn”, đại diện HAGL lý giải về quyết định này.

Tuy nhiên, dù trái cây đã có những khởi sắc và trở thành tâm điểm được bàn luận khi nhắc đến HAGL ở thời điểm hiện tại, nhưng danh mục phát triển của HAGL trong năm 2018 lại xuất hiện một “hiện tượng” khác. Bên cạnh 3 loại cây chính đang khai thác là chuối, thanh long và chanh dây sẽ tiếp tục là nguồn thu chủ lực trong năm 2018 thì

Ba loại cây trái đầu tiên được khai thác là gồm chanh dây, thanh long và chuối tiếp tục đóng vai trò là những nguồn thu chủ lực trong năm 2017 và 2018. Theo kế hoạch, trong năm 2018, HAGL sẽ có thêm nguồn thu từ ớt, xoài và mít. Trong đó đáng chú ý nhất là ớt với tỷ suất lợi nhuận rất cao, vượt xa các loại cây ăn trái khác.

Theo bản giới thiệu mới đây, HAGL dự kiến sẽ nâng sản lượng ớt trong năm tới lên 27.075 tấn so với 525 tấn của năm 2017, tăng hơn 50 lần. Doanh thu dự kiến từ mặt hàng này sẽ đạt 1.083 tỷ đồng, so với 21 tỷ đồng của năm nay và đưa ớt trở thành 1 trong 4 loại cây “nghìn tỷ”. Diện tích trồng ớt dự kiến cũng đứng thứ 3 trong danh mục đầu tư vào nông nghiệp của HAGL trong năm 2018, với 1.800ha, con số này thậm chí vượt qua cả chanh dây và chỉ đứng sau chuối, thanh long.

Tỷ suất lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trên doanh thu của ớt lên đến 65%, chỉ đứng sau mức 70% của thanh long, cao hơn nhiều so với chuối, chanh dây hay xoài.

Ớt là loại cây ngắn ngày với thời gian sinh trưởng từ 4-6 tháng, cho hái nhiều đợt và có thể thu hoạch quanh năm. Một số vùng chuyên canh chính cây ớt hiện nay như Quỳnh Phụ (Thái Bình), Đại Lộc (Quảng Nam), Phù Mỹ – Phù Cát (Bình Định) hay Châu Đốc (An Giang) có quy mô từ 1.200 – 1.400 ha. Với quy mô dự kiến được HAGL công bố, nếu xây dựng được như kế hoạch thì vùng trồng ớt của tập đoàn vào năm 2018 sẽ vượt qua bất kỳ một vùng chuyên canh ớt nào khác tại Việt Nam.

Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng này của HAGL cũng bộc lộ một số vấn đề không chắc chắn.

Với quy mô hơn 27.075 tấn trong năm tới, để thu về doanh thu nghìn tỷ, giá bán dự kiến của tập đoàn với sản phẩm gia vị này sẽ phải đạt 40.000 đồng/kg. Dù chưa công bố chi tiết về giống ớt và thời gian trồng nhưng chiếu theo thực tế thị trường Việt Nam thời gian gần đây, mức giá mà HAGL dự kiến đã thuộc giai đoạn “đỉnh cao” nhất của cây ớt. Trong khi bình thường, mức giá trung bình chỉ bằng một nửa con số này, còn trong giai đoạn khủng hoảng mức giá được thu mua chỉ còn khoảng 1/5 con số này.

Như nhiều mặt hàng khác, thị trường chủ lực của ớt vẫn là Trung Quốc và đây cũng là thị trường HAGL hướng tới, tuy nhiên rủi ro từ thị trường này cũng là điều không thể bàn cãi. Đã từng có thời điểm giá ớt thu mua lên tới 60.000 đồng khi các thương lái Trung Quốc ồ ạt gom hàng, nhưng chỉ cần thị trường này “đổi tính nết” giá ớt có thể nhanh chóng hạ nhiệt. Và tương tự, cây ớt từng khiến người nông dân “khóc hết nước mắt” khi thương lái ngừng thu mua.

“Giá ớt tăng hay giảm chỉ phụ thuộc vào một cuộc điện thoại từ các cửa khẩu phía Bắc gọi về. Giá bán ớt có thể là 50.000 đồng/kg vào buổi sáng, nhưng có thể giảm xuống còn 10.000 đồng/kg vào buổi chiều, tất cả phụ thuộc vào thương lái Trung Quốc”.

Bản thân ớt cũng là cây gia vị ngắn ngày nên chu kỳ của thị trường cũng nhanh hơn hẳn so với các loại cây ăn trái. Giá ớt có thể lên cao đột biến vào cuối niên vụ 2016 nhưng chỉ 3 tháng sau đó khi bước sang năm 2017 thị trường này đã rơi vào khủng hoảng.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của HAGL với quy mô hơn cả một vùng chuyên canh cũng có thể khiến áp lực cung cầu trở nên rõ rệt hơn. Hiện vẫn chưa rõ về cách thức tiêu thụ mặt hàng này, cũng như quy mô thực tế tại từng mùa vụ, nhưng con số trung bình 40.000/kg trong cả năm 2018 sẽ trở thành thách thức không nhỏ với tập đoàn.

Lấy cây ngắn ngày làm nền tảng đang giúp HAGL lấy lại niềm tin từ phía các cổ đông và nhà đầu tư, nhưng dù thế nào nhưng kế hoạch tham vọng cũng đi kèm với những rủi ro. Đặc biệt khi cây ngắn ngày thì chu kỳ của thị trường cũng nhanh tương ứng.

Hoàng Anh Gia Lai đặt kỳ vọng lớn vào cây ăn trái để xoay chuyển tình thế

Bài viết mới