Ngày 2-11, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can Phan Thị Thanh (thuộc Công ty TNHH Thanh Ngũ, ở xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu) về tội lừa dối khách hàng.
Đồng thời khởi tố bị can Trần Văn Tuấn (con trai ông Trần Văn Kiên, giám đốc DNTN Kiên Lục, ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu) về tội sản xuất và bán hàng giả.
Cửa hàng xăng dầu thuộc Công ty TNHH Thanh Ngũ.
Hai người này nằm trong đường dây sản xuất, tiêu thụ hơn 2 triệu lít xăng A92 có pha trộn theo tỉ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu = xăng kém chất lượng, rồi bán cho khách hàng.
Trước đó, ngày 30-10, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Nghệ An đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ba tháng đối với Nguyễn Văn Tuấn (32 tuổi, giám đốc quản lý Công ty TNHH Thương mại Kỳ Phương) và Nguyễn Văn Kỳ (52 tuổi, quản lý Công ty TNHH Thương mại Sáu Hằng, cùng đóng ở huyện Diễn Châu) về tội sản xuất và buôn bán hàng giả.
Như đã đưa tin, trưa 10-10, Công ty Thanh Ngũ đang đổ chất dung môi trên xe téc 37C-7512 vào bồn xăng thì bị Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Sở KH&CN tỉnh Nghệ An và Cục A71 Bộ Công an bắt quả tang.
Xe chở dung môi cho Công ty TNHH Thanh Ngũ.
Kiểm tra công ty trên, cảnh sát phát hiện hai lọ bột tạo màu, hai bể chứa 10.000 lít xăng A92. Chủ DN thừa nhận ở bể chứa xăng A92 có pha trộn theo tỉ lệ: 50% xăng A92 + 50% dung môi + chất tạo màu = xăng kém chất lượng.
Số chất dung môi chở trên xe téc là 40.000 lít do Ngô Quang Thúc lái xe cho DNTN Kiên Lục chở từ TP Cần Thơ về. Lực lượng chức năng kiểm tra DNTN Kiên Lục thì phát hiện hai bể chứa trên 10.000 lít xăng kém chất lượng; một lọ chứa chất bột tạo màu.
Theo hóa đơn GTGT xuất bán dung môi của Công ty Xăng dầu MêKông thì giá dung môi là 10.600 đồng/lít, trong khi đó giá xăng A92 được bán ra thị trường là 18.000 đồng/lít.
Lực lượng chức năng xác định số xăng “bẩn” do DNTN Kiên Lục đã bán ra lên đến 2 triệu lít trong khoảng thời gian từ tháng 8-2017 đến nay.
Sau khi vụ việc bị phát hiện, DN Sáu Hằng đến công an trình báo, thú nhận đã bán xăng kém chất lượng cho khách hàng và xin nộp hàng ngàn lít xăng A92 kém chất lượng đã pha chế và dung môi mua về chưa sử dụng.
Ngày 23-10, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 2 đã có kết quả 11/12 mẫu xăng thử nghiệm không đạt chất lượng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng, nhiên liệu diesel và nhiên liệu sinh học (QCVN 1:2015/BKHCN). Chỉ tiêu không đạt chất lượng của 11 mẫu thử nghiệm là trị số octan – đại lượng đặc trưng cho khả năng chống kích nổ của xăng.