Đề nghị Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công

Đa số ý kiến đề nghị quy định thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. Có ý kiến đề nghị thống nhất một đầu mối nhưng cân nhắc không nên thay đổi đầu mối đàm phán với các tổ chức quốc tế. Một số ý kiến đề nghị giữ như quy định của Luật hiện hành.

Theo đa số ý kiến của các vị ĐBQH, có 3 lý do phải quy định thống nhất một cơ quan làm đầu mối thống nhất quản lý vay nợ trong nước và nước ngoài:

Thứ nhất, khắc phục tình trạng quản lý nợ công còn phân tán, chồng chéo, không rõ trách nhiệm, không gắn kết giữa việc vay nợ với việc quản lý ngân sách nhà nước và trả nợ công. Hiện nay, 3 cơ quan cùng tham gia vay nợ nước ngoài. Điều này, dẫn đến thiếu sự gắn kết trong huy động, sử dụng, giải ngân vốn không sát với dự toán được giao, Quốc hội phải nhiều lần điều chỉnh dự toán, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn vay.

Thứ hai, thực hiện nguyên tắc cải cách bộ máy hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả trên nguyên tắc: một việc chỉ giao cho một cơ quan, một người chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Thứ ba, phù hợp với thông lệ tốt quốc tế.

Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Dự thảo luật quy định theo hướng: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Bộ Tài chính là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về nợ công; Giao Chính phủ phân công cụ thể nhiệm vụ phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quản lý nhà nước về nợ công.

Nội dung Chính phủ quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành liên quan tại các điều 20, 21, 22, 23 trong Dự thảo luật đã được bỏ. Bộ Tài chính có nhiệm vụ, quyền hạn: “chủ trì đàm phán, ký kết các thỏa thuận vay thương mại, các hiệp định khung, hiệp định vay cụ thể về vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ”.

Dự thảo ngày 01/11/2017 Luật Quản lý nợ công sửa đổi cũng đã được UBTVQH chỉnh lý, khẳng định rõ các khoản nợ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật. Dự thảo mới nhấn mạnh không chuyển nợ doanh nghiệp Nhà nước thành nợ công.

“Các khoản nợ tự vay tự trả của doanh nghiệp nhà nước, nợ tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập, nợ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này” – bản dự thảo viết.

Bộ trưởng Tài chính: Một đầu mối quản lý nợ công, Bộ nào cũng được, nhưng quốc tế là để Bộ Tài chính

Bài viết mới