Giữa tháng 8, vua cá tra Hùng Vương đã quyết định sẽ thanh lý 4 khu đất nằm ở những vị trí đắc địa và giải thể Địa ốc An Lạc để thu hồi vốn, chuyển hướng đầu tư. Và mới đây nhất khi bức tranh hoạt động chưa thực sự khởi sắc, Hùng Vương đã quyết định thoái tiếp toàn bộ phần vốn góp tại Thực Phẩm Sao Ta ( Fimex – FMC )- một công ty chủ chốt trong chiến lược tiến sang ngành chế biến tôm của Hùng Vương, đồng thời cũng là công ty đang có hiệu quả kinh doanh tốt nhất trong hệ thống Hùng Vương.
Trao đổi với phóng viên xung quanh những quyết định khiến nhiều người bất ngờ này, ông Dương Ngọc Minh, Tổng giám đốc công ty cổ phần Hùng Vương cho biết vì cơ chế tín dụng ngân hàng trong năm 2017 có sự thay đổi lớn nên Hùng Vương buộc phải thoái vốn ở một số công ty.
Theo ông Minh, thời gian qua, ngân hàng chỉ cho Hùng Vương vay vốn ngắn hạn nhưng nguồn vốn này cũng không đáp ứng được quy mô hoạt động của công ty. Ngoài ra, nguồn vốn mà Hùng Vương đã đầu tư vào vùng nuôi cũng không được ngân hàng tính vào tài sản thế chấp do là đất thuê. Tài sản nuôi trồng cũng không được thế chấp vay vốn! Ngân hàng không thể bố trí được vốn vay dài hạn như những năm trước đây khiến Hùng Vương không có vốn để hoạt động.
“Chúng tôi buộc phải thoái vốn từng bước nhằm đảm bảo hoạt động cho những công ty mà Hùng Vương thoái vốn và đảm bảo công ăn việc làm cho 16.000 lao động đang làm việc tại công ty và quyền lợi các cổ đông đầu tư vào Hùng Vương”-ông Minh chia sẻ.
Hùng Vương đã thoái vốn ở những công ty nào? Sau thoái vốn thì cân đối tài chính của công ty như thế nào?
Về cân đối tài chính, tổng nợ vay của Hùng Vương trên báo cáo hợp nhất năm 2017 là trên 7.800 tỷ đồng, trong đó, vay ngắn hạn khoảng 7.000 tỷ và dài hạn 800 tỷ. Với số nợ vay trên, theo tôi, công ty không thể hoạt động được với quy mô của tập đoàn và doanh số trong tương lai khoảng 30.000-35.000 tỷ đồng cũng như không thể nuôi được lực lượng lao động lâu dài.
Cho đến thời điểm hiện tại, Hùng Vương đã thực hiện thoái vốn ở FMC và một số lô đất. Tương lai, chúng tôi đang cân nhắc tiếp tục thoái vốn ở Việt Thắng và Agrifish.
Thời gian qua dư luận cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của những khoản đầu tư M&A trước đây, tuy nhiên tôi khẳng định là sự phát triển của Hùng Vương trong 10 năm qua với tốc độ nhanh và táo bạo. Cụ thể, khi đầu tư vào FMC, vốn điều lệ ban đầu là 80 tỷ, cổ phiếu lúc đó là 8.000 đồng/CP nhưng hiện nay, vốn điều lệ tăng lên ở FMC là 390 tỷ, giá trị gần 1.000 tỷ đồng. Nhà máy Việt Thắng vốn ban đầu là 80 tỷ, đến nay vốn điều lệ nâng lên 1.030 tỷ đồng. Từ chỗ công suất nhà máy thức ăn chỉ chưa tới 100.000 tấn/năm, đến nay Việt Thắng đã đạt công suất 700.000 tấn/năm, là một trong những doanh nghiệp hàng đầu sản xuất thức ăn cá tra tại Việt Nam bằng công nghệ đầu tư hoàn toàn mới.
Nếu Hùng Vương tiếp tục thoái vốn tại nhà máy thức ăn Việt Thắng thì giá trị thu về phải gấp hai lần vốn điều lệ. Khi đó, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi rất lớn vì tài sản ở Việt Thắng cũng đã được khấu hao trên 60%. Trong khi đó, trên báo cáo tài chính hợp nhất, Hùng vương phải đưa vào nợ vay của FMC và Việt Thắng là 3.300 tỷ đồng. Như vậy, Hùng Vương chỉ cần thoái vốn ở hai công ty này thì nguồn thu đem về cũng đã trên 2.500 tỷ đồng, lợi nhuận cỡ khoảng 1.500 tỷ đồng và nợ vay đương nhiên giảm được 3.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, tới đây Hùng Vương còn có nguồn thu từ bán hàng tồn kho trên 10.000 tấn sản phẩm, đã ký hợp đồng bán ra từ nay đến quý 1/2018 và sản lượng thu hoạch từ nuôi trồng là 50.000 tấn cá với giá trung bình 28.000 đồng/kg. Khi đó, Hùng Vương không những không còn nợ ngân hàng mà sẽ dư ra một khoản tiền rất lớn, dự kiến cũng trên 2.500 tỷ đồng.
Như vậy, câu hỏi đặt ra của nhà đầu tư là Hùng Vương có khó khăn hay không? Với tình hình tài chính như tôi đã phân tích, chắc chắn, Hùng Vương không khó khăn.
“Với tình hình tài chính như tôi đã phân tích, chắc chắn, Hùng Vương không khó khăn”.
Ông Dương Ngọc Minh-Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương
Thưa ông, cũng có thông tin cho rằng Hùng Vương đang cân nhắc nới biên độ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài lên trên 50% tại công ty?
Hiện nay, một số nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến ngành thủy sản, muốn sở hữu trên 50% cổ phần của Hùng Vương, mục đính là để nắm cả một hệ thống từ vùng nuôi cho đến chế biến, xuất khẩu. Tới đây trong nghị quyết trình đại hội cổ đông, chúng tôi sẽ đưa vào nội dung này vào. Chúng tôi đang cân nhắc để lựa chọn nhà đầu tư đến từ quốc gia nào để không chi phối ngành thủy sản Việt Nam vì tính chất đặc thù của Hùng Vương là bao quát cả con tôm lẫn con cá. Trong đó, năng lực sản xuất con cá tra tới 1.200 tấn nguyên liệu/ngày, vùng nuôi 250.000 tấn/năm. Thức ăn cá 1,4 triệu tấn/năm cho ba nhà máy Hùng Vương Tây Nam, Hùng Vương Vĩnh Long và Việt Thắng. Khi đó, nếu nắm Hùng Vương, chắc chắn nhà đầu tư nước ngoài sẽ điều tiết ngành này như cách mà doanh nghiệp FDI đang làm ở ngành chăn nuôi.
Theo ông, sau khi thoái vốn ở một số công ty con, Hùng Vương sẽ trở về mảng kinh doanh cá tra cốt lõi, vậy tới đây cơ hội sẽ là như thế nào?
Điều đầu tiên, tôi xin đính chính với những nhà đầu tư đang gắn bó với Hùng Vương là không nên hoang mang trước những thông tin khác biệt mà dư luận đang đồn thổi về công ty. Về tình hình lợi nhuận, riêng báo cáo tài chính kỳ một 2018 sau khi thoái vốn FMC, đất và kết quả kinh doanh, xuất khẩu thì lãi hợp nhất dự kiến sẽ trên 500 tỷ đồng.
Dự báo, tới đây, ngành xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục phát triển. Trong năm 2018, sản lượng nuôi trồng sẽ tăng 20% so với 2017. Cá tra sẽ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam do đặc thù là nước có sản lượng nuôi trồng lớn nhất trên thế giới.
Hầu hết tài sản hiện có của Hùng Vương đã được khấu hao trên 90%, cụ thể như kho lạnh 40.000 tấn, vùng nuôi tôm, cá trên 1.000 ha…Tuy nhiên, vì ngân hàng không đáp ứng được nguồn vốn nên Hùng Vương không thể tiếp tục lo cho 16.000 lao động với tổng chi trên 1.200 tỷ đồng tiền lương và trên 150 tỷ bảo hiểm xã hội mỗi năm nên bắt buộc phải thoái vốn.
Ông Dương Ngọc Minh-Tổng giám đốc thủy sản Hùng Vương cho biết.