HSBC: Kỷ nguyên tăng trưởng nhờ dấu mỏ đã chấm dứt, tăng trưởng quý 4/2017 vẫn cao nhưng sẽ chậm lại

HSBC vừa giới thiệu báo cáo Triển vọng Kinh tế Thị trường Việt Nam tháng 11 với chủ đề: “Dầu mỏ thất thế, du lịch lên ngôi”. Theo đó, dầu thô đã không còn là một nhân tố chủ lực trong khi ngành du lịch đang trở thành một xu hướng góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Một kỷ nguyên tăng trưởng được thúc đẩy bởi dầu mỏ đã chấm dứt. Việc sản xuất dầu mỏ của Việt Nam đạt đỉnh vào năm 2000 và tiếp tục là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng từ năm 2000 đến năm 2010 (cùng với sản xuất dệt may, giày dép và nông nghiệp). Vài năm gần đây, việc sản xuất các nhiên liệu hóa thạch đã sụt giảm. Sản lượng dầu mỏ của Việt Nam tính đến tháng 9/2017 ước tính khoảng 1,06 triệu tấn, giảm 9,9% so với cùng kỳ năm trước và 11% nếu tính từ đầu năm đến nay.

“May mắn là “đóng một cánh cửa này sẽ mở ra một cánh cửa khác”: Việt Nam chuyển hướng sang các mặt hàng điện tử khá thuận lợi và trở thành một nhân tố đáng tin cậy cho tăng trưởng trong vài năm gần đây. Du lịch cũng đã đóng góp lợi ích cho ngành dịch vụ và với sự phát triển liên tục đã góp phần giúp Việt Nam có nhiều nguồn lực tăng trưởng đa dạng hơn” – bản báo cáo viết.

HSBC cho rằng, tăng trưởng của quý 4/2017 sẽ vẫn cao nhưng có chậm lại đôi chút. Nguyên nhân của nhận định này là do chỉ số PMI đã giảm, trong khi xuất khẩu vẫn rất xán lạn, cho đến thời điểm hiện tại. Tháng 10/2017 là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu có mức tăng trưởng trên 20% nhờ vào các lô hàng xuất khẩu điện thoại tăng 76,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngành du lịch được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh với kỳ vọng đón hơn 10 triệu lượt khách trong năm 2017. HSBC tin rằng đây chính là một chính sách bền vững khi sản lượng năng lượng hóa thạch của đất nước đang ngày càng co hẹp và ngành công nghiệp dịch vụ đang ngày càng phát triển. Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, doanh thu ngành du lịch đạt được gần 16,5 tỷ USD trong chín tháng đầu năm nay, tăng 26,5% so với năm 2016.

Tăng trưởng ngành dịch vụ cũng đã hỗ trợ tài khoản vãng lai của Việt Nam vốn đã có thâm hụt tăng lên trong thương mại dịch vụ nhiều năm. Điều này rất quan trọng khi áp lực tài khoản vãng lai ngày càng giảm do nhập khẩu hàng hóa ngày càng nhiều cho các mặt hàng dầu thô, thiết bị điện tử và máy móc.

Theo HSBC, ngành du lịch Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy nhờ vào hoạt đồng đầu tư. Hàn Quốc là quốc gia có lượng vốn đầu tư FDI lớn nhất đổ vào Việt Nam, chủ yếu là ở ngành sản xuất, trong khi các doanh nghiệp Trung Quốc lại quan tâm đến lĩnh vực bất động sản sau khi Việt Nam đã nới lỏng quyền sở hữu nhà cho người nước ngoài hồi năm 2015.

“Trong một báo cáo gần đây, nhóm nghiên cứu về tiêu dùng và bán lẻ toàn cầu của chúng tôi đã dự báo lượng khách du lịch của Trung Quốc đến Việt Nam tiếp tục tăng và tới năm 2018 sẽ vượt qua con số 9 triệu du khách. Điều này có nghĩa là ngành du lịch không chỉ đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây mà còn góp phần hỗ trợ quan trọng cho sản lượng tương lai” – bản báo cáo nêu rõ.

Phó Thủ tướng: Tăng trưởng cao mới giúp Việt Nam không tụt hậu

Bài viết mới