CEO Vietjet lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

100 cái tên trong danh sách được rút ra từ 7 “cơ sở quyền lực”: tỷ phú, doanh nghiệp, tài chính, truyền thông, chính trị, các nhà hảo tâm/tổ chức phi chính phủ và công nghệ. Cùng với nhau, những người phụ nữ này ảnh hưởng trực tiếp đến hơn 3 tỷ người, theo phó chủ tịch Moira Forbes của Forbes Media.

Những tiêu chí đánh giá bao gồm lượng USD mà những vị “nữ tướng” kiểm soát cũng như tác động, lĩnh vực ảnh hưởng và sự hiện diện trên báo chí. Danh sách năm nay lập kỷ lục với 23 người mới, nhiều nhất từ trước đến nay.

CEO Vietjet lọt top 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới - Ảnh 1.

CEO Vietjet là người phụ nữ Việt Nam duy nhất lọt vào danh sách của Forbes

Đứng đầu là thủ tướng Đức Angela Merkel, người giữ vị trí đầu bảng trong 7 năm liên tiếp. Theo sau là thủ tướng Anh Theresa May, người đang lãnh đạo đất nước qua giai đoạn Brexit – vụ “chia tay” lịch sử giữa nước này và Liên minh châu Âu EU.

Mỹ chiếm gần một nửa số người trong danh sách. Việt Nam có duy nhất một “nữ tướng” góp mặt là doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet (xếp thứ 55). Ngoài Việt Nam, 2 quốc gia Đông Nam Á cũng lọt vào top 100 là Singapore (2 người) và Myanmar (1 người).

Là hãng hàng không tư nhân đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, năm 2012 Vietjet bắt đầu bay thương mại sau 5 năm chuẩn bị. Hãng hàng không này thành công một cách thần kỳ khi chỉ sau 5 năm cất cánh đã vận chuyển 45 triệu lượt hành khách, chiếm 41,5% thị phần hàng không nội địa vào cuối quý II/2016 theo số liệu của CAPA. Hơn thế, sự hiện diện và hoạt động hiệu quả của Vietjet đã góp phần thay đổi thị trường hàng không Việt Nam, biến dịch vụ xa xỉ này trở nên phổ cập với tỷ lệ 30% hành khách của hãng là hành khách lần đầu được đi máy bay.

Hãng hàng không Vietjet (mã chứng khoán VJC) của bà Thảo 9 tháng đầu năm 2017 đạt lợi nhuận trước thuế gần 3.000 tỷ đồng. Riêng trong quý 3/2017, nhờ việc mở rộng thêm các đường bay mới và tăng cường khai thác các đường bay hiện có, doanh thu vận chuyển hàng không của Vietjet đạt 6.142 tỷ đồng, tăng 34,4% so với cùng kỳ 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.054 tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm trước.Vietjet ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 vượt khoảng 10% so với kế hoạch được thông qua tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Tính tới 30/9/2017, tổng tài sản của Vietjet đạt 26.289 tỷ đồng, tăng 57,39 % so với cùng kỳ.

Bà Thảo hiện đang nắm giữ 8,76% cổ phần tại Vietjet, công ty riêng của bà Thảo là công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny hiện đang nắm giữ 28,57% cổ phần của hãng hàng không này. Kể từ khi lên sàn, cổ phiếu Vietjet đã tăng 81%, hiện đang giao dịch ở mức giá 113.000 đồng/cp.

Bài viết mới