Thị trường lên, khó chọn mã

Tạo cảm giác rủi ro

Trong 10 phiên gần nhất, mức giá đóng cửa thấp nhất của VCB là 40.000 đồng/CP còn giá cao nhất 42.000 đồng/CP, nghĩa là NĐT có cơ hội để đạt suất sinh lời 5% với CP này. Nhưng nhìn vào diễn biến của VCB sẽ thấy để đạt được suất sinh lãi lý tưởng này rất khó khi CP này biến động khó lường. Đơn cử, trong phiên 30-10, từ mức giá tham chiếu 42.000 đồng/CP đã có lúc VCB tăng lên gần 43.000 đồng/CP, nhưng đến cuối phiên CP này đóng cửa tại mức 41.900 đồng/CP, tức sẽ có nhiều người mất lãi, hoặc thậm chí lỗ ngay trong phiên nếu mua phải giá cao.

Trường hợp kế tiếp là CP CTG gần như đứng ngoài sóng CP ngân hàng trong thời gian qua. Những lúc thị trường bùng nổ CP này tăng không nhiều, nhưng lại có xu hướng điều chỉnh khá tương đồng với thị trường. Giá cao nhất của CTG trong 10 phiên gần nhất 19.500 đồng/CP, thấp nhất 18.750 đồng/CP.

Cũng cần nhắc lại CTG là CP ngân hàng được đánh giá cao với khả năng sẽ có những đợt tăng. Nhưng diễn biến của CTG hay VCB những ngày gần đây cho thấy vai trò của CP ngân hàng hiện giờ mang tính chất nâng đỡ thị trường nhiều hơn là đẩy VN Index tăng mạnh. Phiên 30-10, những tưởng SAB chỉ tăng vài giá nhưng cuối cùng CP này tăng đến 6.500 đồng/CP, lên 287.000 đồng/CP và đóng cửa tại mức này giúp VN Index đạt hơn 845 điểm.

Trong phiên này đã có thời điểm chỉ số chứng khoán của HOSE tiến lên đến mốc 849 điểm, tiệm cận vùng 850 điểm, một đỉnh mới của thị trường. Trường hợp của SAB hiện tại cũng khá giống với VCB khi thể hiện vai trò dẫn dắt trong vài phiên nhất định, sau đó lại đi ngang hoặc điều chỉnh nhẹ.

Diễn biến của TTCK hiện nay với những kịch bản và xu hướng không quá khó để dự đoán, khi VN Index tăng từng đợt, điều chỉnh, dòng tiền chuyển trụ, từ VCB, SAB… sang một số CP mới. Nhưng tận dụng cơ hội như thế nào để có được lợi nhuận, lại thách thức. Tuần trước, diễn biến của VNM, CP vốn hóa lớn nhất thị trường, không tạo ra nhiều ấn tượng, tuy nhiên ngay trong phiên đầu tiên của tháng 11, VNM đã dậy sóng thực sự với mức tăng 4.000 đồng/CP và đạt 155.000 đồng/CP, là động lực giúp VN Index tăng ngược trở lại, vượt mốc 840 điểm, đạt 842,71 điểm trong phiên 1-11.

Một CP dẫn dắt khác là GAS cũng gây ấn tượng mạnh trong nhiều tháng qua và hiện đạt mốc 73.000 đồng/CP. Một vài NĐT chia sẻ họ đã lỡ cơ hội tận dụng đà tăng của GAS do cho rằng có nhiều CP mới hấp dẫn hơn, trong khi GAS chưa thể trở lại thời hoàng kim. Tương tự, PVD sau khi về mốc 13.000 đồng/CP cũng bắt đầu phục hồi trở lại, kèm theo đó là những đợt rung lắc mạnh, tạo ra cảm giác rủi ro cho nhiều NĐT và có thể dẫn đến việc bỏ lỡ cơ hội sinh lời.

Hiệu ứng BCTC đến muộn

Một chi tiết khá thú vị của TTCK trong giai đoạn cuối tháng 10 và đầu tháng 11 là hiệu ứng mùa BCTC quý III-2017 đến khá muộn, thay vì kỳ vọng như một số năm trước. Về mặt tổng thể, các DN lớn đều công bố KQKD quý III-2017 hoặc 9 tháng rất ấn tượng. Đơn cử, BVH đã công bố doanh thu 9 tháng vượt mốc 1 tỷ USD cực kỳ ấn tượng.

Doanh thu hợp nhất 9 tháng tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ năm 2016, vượt 1 tỷ USD; trong đó doanh thu bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng 28,9%, bám sát kế hoạch năm; doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ tăng 23,9% so với cùng kỳ, hoàn thành 79,7% kế hoạch năm. Kết thúc 9 tháng các chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của FPT đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng theo đúng kế hoạch. Doanh thu hợp nhất đạt 31.131 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận trước thuế đạt 2.308 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, tương đương 99% kế hoạch lũy kế. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.955 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ đạt 1.507 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp lớn nào cũng được như kỳ vọng của NĐT. Chẳng hạn trường hợp của DHG, lãi quý III-2017 của công ty đã giảm 15% so với cùng kỳ. Vấn đề là diễn biến của DHG trước khi KQKD được công bố tương đối tích cực, thậm chí sau khi đã công bố số liệu, CP này còn có một đợt tăng lên hơn 116.000 đồng/CP, trước khi có nhiều phiên giảm liên tiếp để về mốc 95.000 đồng/CP.

Nói tóm lại, hiện tại để có thể thu được lợi nhuận trên thị trường hiện nay sẽ có 2 hướng lựa chọn, là nhóm dẫn dắt với những CP vốn hóa lớn, đón nhận dòng tiền lớn để tăng theo xu thế chung; hoặc một số CP đã công bố KQKD quý III-2017 tích cực và CP bắt đầu đón nhận dòng tiền quay trở lại. Nếu trong những phiên tới, VN Index tiếp tục giữ vững khu vực 830-840 điểm, việc kỳ vọng những mốc cao hơn, chẳng hạn 850 điểm có thể được chinh phục trong ngắn hạn.

Những cổ phiếu “đắt xắt ra miếng” trong giai đoạn khó khăn của thị trường chứng khoán

Bài viết mới