Giữ đất, nhưng không rõ thời điểm triển khai
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại Thông báo số 895, về việc rà soát 23 doanh nghiệp trong danh sách được giao đất xây dựng trụ sở tại khu đô thị mới Cầu Giấy. Trong tháng 8/2017, Sở KH&ĐT Hà Nội đã làm việc với các đơn vị được quy hoạch giao đất xây dựng trụ sở. Đến hạn cuối, mới có 21/23 đơn vị được giao đất có báo cáo năng lực tài chính, kế hoạch triển khai dự án trên đất được giao.
Kết quả rà soát cho thấy, hiện mới có 1 lô đất đã thực hiện xây dựng trụ sở đúng quy hoạch được duyệt là trụ sở Tổng cục Hải Quan (lô 21 – E3). Có hai đơn vị đang thi công công trình là Tổng Cty Xi măng Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam.
Có 9 đơn vị cam kết đầy đủ các yêu cầu của thành phố và vẫn còn nhu cầu triển khai dự án trong giai đoạn 2018 – 2022, gồm: Cty CP Hanel, Cty CP Đầu tư xây dựng Hưng Hải Thăng Long, Tổng Cty Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Cty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Cty Bưu chính Việt Nam, Tổng Cty xây dựng Trường Sơn, Agribank… Hai đơn vị cam kết thực hiện, nhưng không ghi cụ thể thời gian là Cty CP Đầu tư Hàng không Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Có 8 đơn vị đề nghị tiếp tục thực hiện dự án, nhưng thiếu cam kết, hoặc không có báo cáo tài chính, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như: Tổng Cty Cơ khí xây dựng (Coma), Cty CP Viễn thông Hà Nội, Tổng Cty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng Cty CP Thương mại và Xây dựng (Vitrancimex)…
Có hai đơn vị không thực hiện việc báo cáo là Cty TNHH SBIC – CFTD và Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất. Trong đó, với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hợp Nhất, Sở KH&ĐT đã gửi đúng địa chỉ đăng ký hoạt động nhưng bị trả về, tra tìm trên mạng internet không có địa chỉ liên lạc. Ngoài ra, có một doanh nghiệp lớn vẫn đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhưng không có cam kết, không nộp báo cáo tài chính là Tổng Cty Đường cao tốc Việt Nam.
“Tối hậu thư” có được thực hiện nghiêm túc?
Căn cứ báo cáo của các doanh nghiệp, Sở KH&ĐT đề xuất thành phố một số giải pháp nhằm xử lý tình trạng đất vàng “đắp chiếu” tồn tại nhiều năm qua. Cụ thể, đối với ô đất 24 – E3 không có địa chỉ hoạt động, kiến nghị giao UBND quận Cầu Giấy kiểm tra tình trạng hoạt động của Hợp tác xã nông nghiệp Hợp Nhất để có phương án xử lý tiếp theo.
Với 18 đơn vị chưa xây dựng công trình theo quy hoạh được duyệt, kiến nghị thành phố giao các nhà đầu tư nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất theo đúng quy hoạch được duyệt, trình UBND thành phố xem xét chủ trương đầu tư trong năm 2017. Quá thời hạn trên, nếu nhà đầu tư chưa có báo cáo, Sở KH&ĐT sẽ đề xuất thành phố xem xét thu hồi.
Liên quan đến việc xây dựng phương án thu hồi lại dự án và trả lại tiền đặt cọc đối với các dự án không còn khả năng triển khai, để đấu giá QSDĐ lựa chọn nhà đầu tư có nhu cầu và năng lực triển khai, được nêu tại Thông báo số 895, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết, việc lập phương án thu hồi lại dự án không khó khăn. Tuy nhiên, việc đưa ra phương án chỉ được xem xét khi các doanh nghiệp trong danh sách được giao đất trả lời rõ Sở KH&ĐT việc không triển khai tiếp dự án.
Trao đổi với PV Tiền Phong, GS Đặng Hùng Võ – nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: “Đảm bảo nguồn thu cho ngân sách từ quỹ đất và khai thác tối đa hiệu quả sử dụng đất là tiêu chí hàng đầu khi lập quy hoạch dự án. Đối với các lô đất vàng “đắp chiếu” nhiều năm ở Khu đô thị mới Cầu Giấy, việc thành phố yêu cầu tổng kiểm tra tiến độ triển khai và năng lực triển khai dự án, lấy đó làm cơ sở xây dựng phương án thu hồi lại dự án là điều cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, thành phố cũng cần xem lại quy hoạch được phê duyệt liệu còn phù hợp không, hay cần điều chỉnh thì cũng không nên cứng nhắc mà hãy linh hoạt điều chỉnh để quy hoạch sớm được triển khai tránh tình trạng lấn chiếm, dẫn đến lãng phí quỹ đất vàng…”.
Thái Bình muốn đổi 27.000m2 đất vàng lấy trung tâm hội nghị?