Cổ phiếu đắng mùa kết quả kinh doanh

Mỗi mùa báo cáo tài chính quý đi qua, thị trường lại được trải qua những cảm xúc đầy đủ mọi cung bậc. Từ những ngày dự báo kết quả kinh doanh, chờ đợi rồi chứng kiến sự tăng/giảm giá của cổ phiếu cho đến khi rò rỉ tin tức và rồi cổ phiếu làm một cú vọt mạnh hay sụt giảm khi chính thức công bố thông tin… Bên cạnh niềm vui của số ít những người nhạy sóng chọn đúng cổ phiếu và vào ra đúng thời điểm thì nhiều nhà đầu tư ăn phải trái đắng khi mua cổ phiếu sai thời điểm, dù đó là những doanh nghiệp có doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng.

Không thể không kể đến HBC của CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình trong những ngày qua. Kể từ cuối tháng 8 – khi “sóng kết quả kinh doanh” khởi động, HBC là một trong những cổ phiếu vận động đúng nhịp khi tăng giá từ 54.000 đồng lên 64.000 đồng trong vòng 2 tháng. Tuy nhiên, sau khi chinh phục đỉnh mới, HBC không thể tránh khỏi áp lực bán mạnh khi mùa báo cáo tài chính kết thúc và mức tăng trưởng lợi nhuận 30% so với cùng kỳ không đủ để tạo thêm sức hấp dẫn cho cổ phiếu, nhất là khi con số này có sự đóng góp từ 31 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Cùng với sự bán ra của quỹ ngoại Pyn Elite, HBC đã rơi rất nhanh về 52.400 đồng, xóa luôn thành quả tăng giá của 3 tháng qua.

Cũng rơi nhanh như HBC là bộ đôi AAA – CTCP Nhựa và môi trường xanh An Phát và HII của nhà An Phát.

Liên tục công bố những tin tức tích cực như tăng trưởng lợi nhuận, góp vốn thành lập công ty con, ký hợp đồng cung cấp sản phẩm cho Samsung… nhưng AAA đã rơi từ 36.000 đồng xuống còn 30.300 đồng và HII rơi từ mức giá gần 40.000 đồng về 31.800 đồng với một số phiên giảm sàn.

Một bluechips khác, HPG của CTCP Tập đoàn Hòa Phát cũng sẽ là trái đắng của nhà đầu tư nếu mua đúng đỉnh 39.700 đồng trước kỳ vọng vào lợi nhuận của doanh nghiệp. Hòa Phát đạt 5.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đầu năm – tăng tưởng 21% so với cùng kỳ. Nhưng với việc đã tăng bền bỉ suốt nửa năm thì hiệu ứng “tin ra là bán” áp dụng chính xác vào HPG khiến cổ phiếu rơi về dưới 37.000 đồng ngay sau khi công bố KQKD.

PNJ của CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận cũng là một trường hợp tương tự. Trong quý 3, doanh thu PNJ đạt 2.403 tỷ đồng – tăng 20% và lợi nhuận trước thuế đạt 156 tỷ đồng – tăng 12% so với cùng kỳ 2016. Điểm đáng chú ý đối với doanh nghiệp lớn ngành bán lẻ trang sức là hệ thống cửa hàng đang gia tăng rất nhanh, đến cuối tháng 9 đã đạt con số 250 cửa hàng – dẫn đầu ngành này.

Thế nhưng mức tăng trưởng 12% đã khiến nhiều nhà đầu tư thất vọng và thực hiện chốt lời PNJ khi cổ phiếu đạt đỉnh 115.000 đồng. Trong vòng 1 tháng qua, PNJ đã giảm về dưới 108.000 đồng – mất 7.000 đồng/cp.

LCG – cổ phiếu của CTCP Licogi 16 cũng đã rơi 20% trong 1 tháng qua khi con số lợi nhuận quý 3 chỉ 8 tỷ đồng. Dù so với cùng kỳ là tăng tới 40% nhưng mức lợi nhuận này quá thấp so với kỳ vọng của nhà đầu tư cũng như khiến cổ phiếu trở nên đắt hơn tại mức giá thị trường gần 12.000 đồng khi đó.

Nếu như những cổ phiếu trên đều có kết quả kinh doanh tích cực và trở thành trái đắng khi vấp phải hiệu ứng “tin ra là bán” thì có nhiều cổ phiếu thực sự là trái đắng khi doanh nghiệp vốn có tên tuổi trên thị trường tung ra lợi nhuận đáng thất vọng. Đó là HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen, DHG của Dược Hậu Giang hay CTS của CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam.

“Thảm khốc” nhất có lẽ là HSG bởi doanh nghiệp của ông Lê Phước Vũ có vị thế lớn trong ngành và là cổ phiếu yêu thích của nhiều nhà đầu tư. HSG công bố lợi nhuận quý 4 chỉ bằng một nửa cùng kỳ với những yếu tố tiêu cực như chi phí lãi vay tăng, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh và chi phí bán hàng cũng tăng vọt. Dragon Capital đã bán vốn tại Hoa Sen và chuyển sang một công ty cùng ngành là Nam Kim. Cổ phiếu HSG rơi từ 29.000 đồng về 22.600 đồng mà chưa có tín hiệu “cầm máu”.

Dược Hậu Giang (DHG) cũng là một nỗi đau lớn khi rơi từ 116.000 đồng về 96.000 đồng khi báo lãi giảm 15% so với cùng kỳ. Đó là con số gây thất vọng so với những dự báo của các chuyên gia phân tích trước đó.

Một số cổ phiếu ngành tài chính cũng là trái đắng của nhà đầu tư như SSI của CTCK Sài Gòn, CTS của CTCK Ngân hàng Công thương Việt Nam, BVH của Tập đoàn Bảo Việt…

Không phải “Sell in May”, tháng 11 mới là ác mộng thực sự với TTCK Việt Nam

Bài viết mới