Không chỉ là lãi 10.000 tỷ trong năm tới, lãnh đạo VPBank còn tiết lộ hàng loạt tham vọng thống lĩnh thị trường

Hôm nay ngày 17/8 VPBank chính thức đưa hơn 1,3 tỷ cổ phiếu lên niêm yết trên HoSE với giá khởi điểm 39.000 đồng/cổ phiếu. Ở vùng giá này, vốn hóa của ngân hàng vào khoảng hơn 2,3 tỷ USD, dẫn đầu trong nhóm các ngân hàng cổ phần tư nhân hiện nay.

Trước đó ngày 15/8, ngân hàng đã tổ chức buổi hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu VPBank đồng thời giải đáp các khúc mắc của nhà đầu tư đối với tình hình ngân hàng.

Năm 2017 lãi trước thuế hơn 7.000 tỷ và năm 2018 là trên 10.000 tỷ

Bà Lưu Thị Thảo, Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc tài chính của VPBank cho biết trong 6 tháng đầu năm ngân hàng lãi trước thuế 3.260 tỷ đồng, chưa đạt một nửa kế hoạch cả năm, nhưng đến hết 7 tháng lợi nhuận lũy kế đã vượt 4.000 tỷ đồng. Ngân hàng tự tin có thể đạt lợi nhuận hơn 7.000 tỷ cho năm 2017.

Hồi đầu năm ngân hàng chỉ đặt kế hoạch lãi hơn 5.000 tỷ sau đó đến đại hội cổ đông được điều chỉnh lên 6.800 tỷ đồng và được cổ đông thống nhất.

Năm 2018, theo bà Thảo, dựa trên giả định tăng trưởng về cải thiện NIM, giảm chi phí vốn dựa trên các kế hoạch tự động hóa, tập trung hóa…ngân hàng sẽ tiếp tục có lợi nhuận cao với mục tiêu lãi ròng 8.500 tỷ như bản cáo bạch đưa ra, tức lợi nhuận trước thuế khoảng 10.000 tỷ.

Mục tiêu không phải vượt qua Vietcombank mà lấy sự so sánh để làm động lực phát triển

Với kế hoạch lợi nhuận rất cao cho năm tiếp theo mà cho đến thời điểm này chưa ngân hàng nào đạt được, nhiều ý kiến cho rằng nếu đạt được thì VPBank sẽ vươn lên soán ngôi đầu về lợi nhuận của Vietcombank. Câu hỏi này cũng được nhà đầu tư đặt ra với lãnh đạo ngân hàng VPBank.

Nhưng bà Lưu Thị Thảo cho biết lãnh đạo ngân hàng xin phép không trả lời câu hỏi này. Bởi theo bà không chỉ VPBank đặt ra tham vọng mà Vietcombank hay các đối thủ cạnh tranh khác cũng đều có những kế hoạch của riêng mình.

Ông Nguyễn Đức Vinh bổ sung thêm rằng, trong chiến lược của mình ngân hàng luôn có so sánh với các ngân hàng khác để lấy đó làm động lực phát triển để vươn lên. VPBank không nghĩ rằng việc so sánh vượt ngân hàng nào là mục tiêu của họ.

Đồng thời ông khẳng định các giá trị tài chính của VPBank cho thấy ngân hàng phải tăng trưởng liên tục để tạo ra lợi nhuận ngày càng cao. Các kế hoạch lợi nhuận đưa ra đều được xây dựng trên cơ sở dữ liệu của những kế hoạch rất bài bản để đạt mục tiêu, chẳng hạn năm 2016 lợi nhuận trước thuế gần 5.000 tỷ thì năm 2017 sẽ trên dưới 7.000 tỷ và năm 2018 sẽ trên dưới 10.000 tỷ.

“Thị trường ngân hàng không ai đứng yên để cho một ngân hàng chạy, vậy nên VPBank cũng nhận ra rằng phải nỗ lực hết mình, còn thành công hay không thì đều phụ thuộc vào nỗ lực và ban lãnh đạo ngân hàng tin tưởng rằng sẽ thành công” – ông Vinh nói.

Đứng đầu mảng khách VIP như đã thống trị ở tài chính tiêu dùng

Về chiến lược phát triển thời gian tới, CEO của VPBank cho biết sau 5 năm giai đoạn 2012-2017, lãnh đạo ngân hàng đã có đánh giá lại và đưa ra các chương trình chuyển đổi, sáng kiến cho giai đoạn tới. Tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng quyết định sau khi niêm yết sẽ rà soát cùng các nhà tư vấn quốc tế về chiến lược 5 năm tới, đặc biệt là nghiên cứu tìm cơ hội tiếp tục giành kết quả tốt hơn. 5 năm tới tham vọng của VPBank cũng không kém những năm vừa qua.

Mục tiêu thời gian tới vẫn là mảng bán lẻ và ngân hàng đặt cược vào đó, cùng 4 trụ cột gồm tài chính tiêu dùng, dịch vụ bán lẻ, tín dụng tiểu thương và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số 4 trụ cột này sẽ có những ưu tiên với các phân khúc nhất định. Riêng phân khúc khách hàng cao cấp, CEO của VPBank nhận định khách hàng có thu nhập cao sẽ là phân khúc đóng góp quan trọng vào nền kinh tế Việt Nam và VPBank muốn dẫn đầu phân khúc này như đã thành công với tín dụng tiêu dùng.

Chưa vội buông gà đẻ trứng vàng Fe Credit, mục tiêu lợi nhuận tăng gấp đôi từ năm này qua năm khác

Đề cập đến công ty con là Fe Credit đang sinh lời rất tốt cho ngân hàng vậy ngân hàng có tính toán bán bớt vốn ở công ty này hay không? Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết Fe Credit là một trong những yếu tố đóng góp quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận và là động lực tăng trưởng chính của ngân hàng. Việc bán hay giữ đều phải có quyết định và xây dựng phương án vô cùng thận trọng để đảm bảo cho ngân hàng hoạt động tốt.

Ông Vinh chia sẻ thêm rằng trong năm 2016 ngân hàng đã lên kế hoạch về sự phát triển của ngân hàng mẹ và công ty con và thấy rằng rất cần thêm vốn để phát triển, ngân hàng đã có ý định bán một phần vốn Fe Credit. Nhưng đầu năm 2017 khi rà lại tình hình hoạt động những năm qua cũng như tư vấn từ chứng khoán Bản Việt thì thấy rằng thị trường chứng khoán đang phát triển tốt và là cơ hội để VPBank niêm yết và huy động từ thị trường nên quyết định niêm yết để huy động vốn cho ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả ngân hàng mẹ và công ty con. Do vậy việc bán Fe Credit không được đặt ra lúc này. Trong tương lai, tùy theo cơ hội, tùy mục tiêu kinh doanh sẽ có phương án cụ thể.

Ông cho biết thêm, với việc gọi vốn từ quốc tế cũng như niêm yết trên sàn, VPBank tự tin có đủ vốn để phát triển cho cả ngân hàng lẫn Fe Credit trong thời gian tới.

Được biết năm vừa qua Fe Credit mang về cho VPBank gần 1.700 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong khi ngân hàng mẹ là hơn 3.000 tỷ. Theo kế hoạch của năm nay trong tổng số 6.800 tỷ đồng trước thuế và gần 5.800 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế thì Fe sẽ đóng góp khoảng một nửa. Riêng năm 2018 ngân hàng lên kế hoạch lãi trước thuế khoảng 10.000 tỷ tương đương lãi ròng 8.500 tỷ thì Fe Credit sẽ đóng góp hơn 4.500 tỷ – một con số khổng lồ đến khó tin.

Vốn hóa hiện 2,3 tỷ USD, được kỳ vọng lên đến 10 tỷ USD trong vòng 4-5 năm nữa

Ông Tô Hải, Giám đốc công ty chứng khoán Bản Việt – đơn vị tư vấn cho VPBank lên sàn cho biết, các nhà đầu tư quốc tế có sự quan tâm đặc biệt đến VPBank mà “trong tương lai cũng khó mà lặp lại” với khối lượng đặt mua lên tới 1,2 tỷ USD. Ngay cả trong lịch sử, các ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Việt Nam giai đoạn phát triển nóng năm 2007 cũng chưa có công ty nào đạt được điều này.

Lượng đặt mua của nhà đầu tư nước ngoài gấp 4 lần khối lượng dự định chào bán khiến ngân hàng đã phải thuyết phục cổ đông hiện hữu giảm bớt sở hữu để bán cho nhà đầu tư nước ngoài với giá rất cao, lên đến 39.000 đồng/cổ phiếu – bằng giá lên sàn. Thậm chí có khoảng 500 triệu USD đã đặt mua ở vùng giá 44.000 đồng.

Ông Tô Hải cho rằng trong 4-5 năm tới có thể có các ngân hàng sẽ đạt vốn hóa thị trường trên 10 tỷ USD, và ông Hải tin rằng VPBank là 1 trong số ít các ngân hàng tư nhân (có thể chỉ khoảng 2-3 ngân hàng) đạt cạnh tranh với Vietcombank ở mức vốn hóa thị trường như vậy.

Nhà đầu tư nước ngoài đặt hơn 1,2 tỷ USD mua cổ phiếu VPBank – kỷ lục chưa từng có và khó bị phá vỡ trong tương lai

Bài viết mới